Việt Nam là một trong những quốc gia được Liên hợp quốc đánh giá là thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Đ.T |
Báo cáo cũng đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày ở Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) cuối tuần qua. Nội dung Báo cáo phản ánh những thách thức và bài học rút ra sau 15 năm thực hiện và theo dõi tiến độ thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đã làm được nhiều việc trong 15 năm qua và tôi xin gửi lời chúc mừng nhiệt liệt đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những thành tựu có ý nghĩa đột phá trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Chắc chắn rằng, những thành tựu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam đã tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho cuộc sống của người dân”.
Đồng thời, bà Pratibha Mehta cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. “Trong số 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đạt kết quả ấn tượng nhất trong Mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thực hiện vượt các chỉ tiêu đề ra và đã hoàn thành mục tiêu này trước thời hạn”, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh 2 nhóm bài học kinh nghiệm chính từ 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Đó là, quốc gia hóa và lồng ghép các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào hệ thống các kế hoạch, chương trình, chính sách của quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước; xây dựng mô hình tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển vì người nghèo.
Theo báo cáo này, tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục. Trong giai đoạn 1993 - 2008, có 43 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo.
Trong giai đoạn này, tỷ lệ nghèo chung theo chuẩn quốc tế đã giảm từ 58,1% xuống còn 14,5%, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Trong các giai đoạn tiếp theo, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 8,4% năm 2014.
Khoảng cách nghèo trên toàn quốc cũng được cải thiện, mức sống của những người rất nghèo cũng được nâng cao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 1993 - 2004, chỉ số khoảng cách nghèo giảm mạnh từ 18,5% năm 1993 xuống còn 4,7% năm 2004, cho thấy mức sống của người nghèo được cải thiện đáng kể.
Chẳng hạn, trong giai đoạn 2002 - 2010, chi tiêu cho mỗi người trong một năm tăng liên tục, với mức tăng cao nhất diễn ra từ năm 2008 đến năm 2010. Trong những năm 2010 - 2012, chi tiêu thực tế tăng thêm 6.041.000 đồng. Điều này phản ánh tiềm năng mạnh mẽ và triển vọng sáng sủa của nền kinh tế.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2002 - 2012, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố tăng gần 3 lần, với diện tích nhà ở trên từng thành viên cũng tăng lên hàng năm. Trong năm 2012, điện lưới đã phủ hầu hết các xã trong cả nước và được 97,6% dân số sử dụng. Nước và điều kiện vệ sinh môi trường được nâng cấp rộng rãi từ đầu những năm 2000. Cụ thể, giai đoạn 2002 - 2012, tỷ lệ số hộ tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh tăng 13 điểm phần trăm và tỷ lệ số hộ tiếp cận nhà vệ sinh hợp vệ sinh tăng 22,3 điểm phần trăm.
Xe máy, điện thoại và TV màu đã trở thành những đồ dùng cơ bản của hầu hết các gia đình vào năm 2012, dù 10 năm trước đây, các tài sản này được coi là “hàng hóa đắt đỏ” đối với phần lớn dân cư.
“Việc sở hữu các loại hàng hóa lâu bền khác nhau ngày càng tăng trong giai đoạn 10 năm qua một lần nữa khẳng định đời sống của nhân dân trên cả nước được cải thiện đáng kể”, báo cáo viết.