Với người dân có tâm lý ngại ngần khi tiêm vắc-xin Covid-19 do lo ngại những phản ứng bất lợi chuyên gia cho rằng điều này là dễ hiểu song người dân cần tin tưởng vào những nỗ lực của ngành Y tế trong việc bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Tự tin tiêm vắc-xin Covid-19
Trước nhiều nguy cơ bùng phát dịch hiện nay, bên cạnh việc phòng chống ca bệnh xâm nhập thì nỗ lực bao phủ tiêm vắc-xin trong dân cư đạt miễn dịch cộng đồng là cần thiết.
Việc tiêm vắc-xin Covid-19 bảo đảm bao phủ 70% dân số tạo miễn dịch cộng đồng là biện pháp quan trọng phòng chống dịch Covid-19. |
Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chỉ khi tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt trên 70% dân số thì chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng. “Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, không có vắc-xin không thể khống chế dịch thành công”, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.
Được biết, trong tuần tới, khoảng 1.500/4.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có PGS.TS Đào Xuân Cơ sẽ tiến hành tiêm vắc-xin Covid-19.
Là người có thâm niên trong ngành Y tế nên hơn ai hết Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hiểu rõ về lợi ích lớn của tiêm vắc-xin so với tỉ lệ nhỏ nhất định một số phản ứng thông thường hay có hại có thể xảy ra.
Qua phân tích của Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, có hai phản ứng xảy ra sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 mà người dân đang quan ngại, đó là phản ứng phản vệ và rối loạn đông máu.
Còn lại, chiếm tỉ lệ lớn sau tiêm vắc-xin Covid-19 là các phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm… Đây là phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vắc-xin nói chung và vắc-xin phòng Covid-19 nói riêng.
Đối với phản ứng phản vệ, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn xử trí phản vệ sau tiêm rất kỹ, cụ thể để các cơ sở y tế đều có thể thực hiện được.
Văn bản của Bộ Y tế cũng được triển khai sâu rộng đến các cơ sở y tế thành nhiều đợt thông qua hình thức trực tuyến cũng như trực tiếp.
Thực tế, thời gian qua, một số ca bị phản ứng dị ứng ở các mức độ khác nhau đều đã được nhân viên y tế xử trí kịp thời, sức khỏe của người tiêm bình phục rất nhanh.
Đối với rối loạn đông máu, đây là điều mà các nhà chuyên môn cũng như người dân đang quan ngại nhất. Tuy nhiên, phản ứng này có tỉ lệ 1-4 người/triệu người được tiêm.
Mặc dù tỷ lệ này rất thấp, nhưng với mục tiêu “tiêm đến đâu an toàn đến đấy”, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhằm hướng dẫn các cơ sở y tế phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp không may bị rối loạn đông máu sau tiêm.
“Với những việc đã, đang và sẽ triển khai liên quan tới an toàn tiêm chủng vắc-xin Covid-19, người dân có thể tự tin bởi hai phản ứng nặng nhất có thể xảy ra đều được Bộ Y tế hướng dẫn cán bộ tiêm chủng các biện pháp xử lý”, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Sẵn sàng kịch bản khi dịch xâm nhập
Trả lời câu hỏi Việt Nam đang chuẩn bị ra sao để ứng phó với nguy cơ làn sóng dịch thứ tư, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, ngành Y tế luôn xác định nguyên tắc “bốn tại chỗ” và phương châm phát huy, coi trách nhiệm của người đứng đầu đối với phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh/thành là hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn, kiểm soát, khống chế, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương.
Các đợt dịch tại Việt Nam thời gian qua cho thấy vai trò người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Chúng ta hành động nhanh, quyết liệt và có thể kiểm soát tốt tình hình dịch tại địa phương để kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng.
Với mối nguy từ biên giới Tây Nam theo người đứng đầu ngành Y tế, cơ quan đã chuẩn bị các kịch bản cho tình huống dịch xảy ra.
“Chúng tôi đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; Có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chưa phát hiện đươc; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này chúng tôi đều rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.
Với mỗi người dân, Bộ trưởng Y tế khuyến cáo nếu phát hiện người nhập cảnh trái phép, cần lập tức báo với chính quyền địa phương.
“Chúng tôi cũng đề nghị tất cả các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nhiễm Covid-19. Chúng ta càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh chóng bấy nhiêu”, người đứng đầu ngành Y tế nêu.
Một trong những bài học thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân.
Tuy nhiên, trước thực tế hơn một tháng qua Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng nên người dân đang lơ là, chủ quan mất cảnh giác, trong đó nhiều người ra đường không đeo khẩu trang, không thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế. Thực tế này rất đáng lo ngại.
Do đó, trước hết người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế, trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
Với việc tiêm vắc-xin ngành Y tế khuyến cáo người dân và tất cả những ai thuộc nhóm đối tượng được tiêm chủng hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ góp sức vào việc kiểm soát tình hình dịch.
Về làn sóng dịch thứ tư đang đe dọa, các chuyên gia đều cho rằng đây là giai đoạn rất khó khăn đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt là hệ thống dự phòng.
PGS.TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho hay, kinh nghiệm chống dịch của các nước cho thấy, kể cả các nước có nền y học phát triển, hiện đại như Anh, Mỹ... hay cả những nước y tế còn khó khăn, nếu như để cho y tế dự phòng “vỡ trận”, số ca mắc cao thì hệ thống điều trị cũng “vỡ trận” theo.
“Quá lớn bệnh nhân trong cùng một thời điểm khiến hệ thống điều trị quá tải, khan hiếm nhân lực, vật lực, bệnh nhân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người có bệnh nền sẽ dễ tử vong vì không được chăm sóc y tế kịp thời”, chuyên gia lo ngại.
Là tuyến điều trị, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các địa phương sát biên giới Tây Nam cần phải tăng cường cho hệ thống phòng dịch, phát hiện sớm sẽ ngăn chặn được sớm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Trong khi siết chặt lại công tác dự phòng, ông Khoa cũng cho rằng, các địa phương phải có phương án sẵn cho điều trị trong trường hợp đợt dịch bùng lên. Tỉnh nào cũng cần có phương án cụ thể.
“Chúng ta chưa biết dịch xảy ra tại đâu. Dù Tây Nam là địa bàn nguy cơ cao, tuy nhiên, người trở về từ Lào, Campuchia có thể về thẳng các quê hương của họ như Nghệ An, Hà Tĩnh. Nếu không ngăn chặn sớm, một ca bệnh lọt vào cộng đồng sẽ tạo thành ổ dịch rất lớn. Do đó, không tỉnh nào được chủ quan, phải luôn ở trạng thái sẵn sàng, xử lý những ổ dịch nếu xảy ra”, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nêu.