Các chỉ dấu tích cực
So với dự báo của ADB đưa ra vào đầu năm, với mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2015 và 6,2% năm 2016, thì dự báo vừa cập nhật cho thấy những thay đổi đáng kể.
“Điều hành của Chính phủ trong năm nay rất tốt. Cộng với đó, giá cả hàng hóa thế giới giảm giúp kiềm chế tốc độ tăng giá, làm tăng mức thu nhập khả dụng và giảm chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong bối cảnh này, với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và an toàn, Việt Nam sẽ có được tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn trong năm sau và những năm tới”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khả quan là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Ảnh: Hà Thanh |
Theo ông Eric Sidgwick, có 3 động lực chính hậu thuẫn vững chắc cho dự báo mới cập nhật của ADB. Đó là tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, sản xuất công nghiệp tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, hoạt động xuất khẩu của khu vực FDI tăng mạnh.
Phân tích kỹ hơn, ông Aeron Battern, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, tác giả chính của Chương Việt Nam trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triên châu Á (ADOU) cho rằng, niềm tin người tiêu dùng cao hơn, chi phí đầu tư rẻ hơn khiến chi tiêu cả tiêu dùng và đầu tư đều tăng là những yếu tố thúc đẩy thương mại bán lẻ và tăng trưởng tín dụng.
“Với tác động tích cực từ tăng chi tiêu cá nhân và các ngành kinh tế, nhất là khi dòng vốn FDI đổ vào mạnh hơn, thúc đẩy các dòng vốn đổ vào các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, xây dựng…, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 17%, thay vì kế hoạch 13 - 15%”, ông Aeron Battern đưa ra dự báo.
Đặc biệt, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc dự báo lạm phát trung bình cả năm cũng đã được ADB điều chính còn 0,9% trong năm 2015 có đáng lo ngại, ông Eric Sidgwick khẳng định, Việt Nam còn xa mới phải tính tới câu chuyện giảm phát.
“Dự báo lạm phát thấp trong năm nay vì giá cả hàng hóa giảm, nhất là giá dầu, chi phí sản xuất - kinh doanh giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng đang tăng sẽ tạo động lực cho lạm phát tăng. Chúng ta cần theo dõi kỹ các yếu tố này”, ông Eric Sidgwick trao đổi.
Trong báo cáo, ADB cũng đã dự báo lạm phát năm 2016 của Việt Nam có thể vẫn tăng đến 4%.
Các chuyên gia của ADB cũng nhấn mạnh tới triển vọng cả về thương mại và đầu tư khi quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán và sự tham gia của khu vực này vào lĩnh vực bất động sản và các chính sách tiền tệ, tài khóa có điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng do lạm phát ở mức thấp.
“Cộng với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, dự báo công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong cả năm 2016, từ đó khích lệ xuất khẩu và thu hút đầu tư”, ông Aeron Battern bổ sung thêm cơ sở cho nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm nay.
Thách thức không nhỏ
Cũng phải thừa nhận, mặc dù xuất khẩu và FDI đang là động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại, song hai yếu tố này lại khá bấp bênh khi phụ thuộc rất lớn nền kinh tế toàn cầu vốn có nhiều biến động.
“Kinh tế các đối tác thương mại của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, đang tăng trưởng chậm lại, có thể kéo theo triển vọng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường này sẽ ảm đạm hơn. Việt Nam cũng sẽ chịu tác động không nhỏ từ giá dầu thô giảm mạnh, làm thu hẹp thặng dư thương mại”, ông Aeron Battern chia sẻ quan điểm.
Đó là lý do ADB đã hạ dự báo thặng dự cán cân vãng lai năm nay so với lần dự báo hồi đầu năm, còn 0,5% GDP trong năm nay và 1,0% trong năm 2016. Tuy nhiên, mức này sẽ lại tăng khi các doanh nghiệp FDI đi vào sản xuất và tăng cường xuất khẩu.
Mặc dù vậy, ADB cũng đưa thêm khuyến cáo cẩn trọng về tỷ lệ 70% kim ngạch xuất khẩu nằm trong khu vực FDI, so với tỷ lệ 50% của 5 năm trước. “Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu, hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước, tăng cao năng suất, giảm bớt vai trò của ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước để có thị trường cạnh tranh bình đẳng hơn. Có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới có thể tối đa hóa lợi ích của hội nhập kinh tế sâu hơn tới đây”, ông Aeron Battern nói.
Thậm chí, ông này cũng đã nhắc tới yếu tố tưởng như rất “bên ngoài” với Việt Nam, đó là hiện tượng thời tiết El Nino ở khu vực Thái Bình Dương đang được dự báo là rủi ro với triển vọng của châu Á. “Thời tiết khô hạn có thể gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất cà phê, lúa gạo, nếu kéo dài có thể làm tốc độc tăng trưởng trong ngành nông nghiệp tiếp tục giảm sút. Việt Nam cần lưu ý vấn đề này”, ông Aeron Battern khuyến nghị.