Tại Việt Nam, GDP ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 12% tổng GDP của nền kinh tế, với hơn 60% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam vừa là nhà cung ứng nông sản nhưng cũng là thị trường tiêu thụ lớn về lương thực, thực phẩm có nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại về nông nghiệp ở thời điểm này.
Với quy mô xuất khẩu tăng gấp đôi sau 10 năm qua, Việt Nam là nước xuất khẩu nông lâm thủy sản khá lớn, tốc độ tăng trưởng đều đặn. Thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đến nhiều thị trường trên thế giới.
Cụ thể, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có tính đa dạng cao, đem lại thu nhập tốt thể hiện trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Từng nhóm ngành đang có sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng, hướng đến tăng trưởng xanh.
“Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ sản lượng sang chất lượng, giá trị và tăng trưởng xanh với hệ thống nông sản phong phú, đa dạng. Việt Nam có thể sản xuất nhiều loại nông sản đa dạng, đặc biệt đa dạng về trái cây nhiệt đới và đang dần hình thành các hệ sinh thái cho chuỗi giá trị nông nghiệp”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Việt Nam đang chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia. Cùng với đó là nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vùng sản xuất bưởi tại xã Đại Đồng, Hòa Bình. (Ảnh: Trọng Đạt) |
Dưới góc nhìn của các đối tác quốc tế, ông Ralph Bean, Tham tán nông nghiệp Hoa Kỳ Ralph Bean cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Biến đổi khí hậu đang diễn ra và Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều nhất trên thế giới.
"Về những hợp tác của Việt Nam trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam 4,4 triệu USD để triển khai dự án sử dụng phân bón đúng; dự án phối hợp với Việt Nam, thông qua ứng dụng phần mềm để giảm phát thải cho chăn nuôi… “, ông Ralph Bean chia sẻ.
Liên quan đến thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân, ông Ralph Bean cho rằng Việt Nam cần tăng cường, đảm bảo chính sách minh bạch, bởi sẽ có những đầu tư lớn, các đối tác sẽ quan tâm trong các điều kiện cụ thể để cân nhắc đầu tư.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong mỗi ngành hàng đều có quan hệ trao đổi giữa Việt Nam với các nước, không chỉ xuất hay nhập mà là sự đan xen của nhiều mặt hàng, vốn là các thế mạnh của nhau. Dù là ngành hàng nào, lĩnh vực nào, quốc gia nào thì hiện nay mẫu số chung cho tất cả đó là tăng trưởng xanh, bền vững với những yêu cầu như an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…
Việc áp dụng các chuẩn mực cao về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như mở rộng cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp.
“Kể từ khi chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn được ban hành, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều thách thức. Theo đó, xác định nông nghiệp đang đứng trước 3 biến lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng”, Bộ trưởng nói.
Thực tế, cơ hội hợp tác với các quốc gia đối tác trên thế giới còn nhiều, nhưng để biến cơ hội thành tiềm năng vẫn còn rào cản. Chính vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn thúc đẩy kinh tế nói chung, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy giao thương thương mại đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tìm kiếm sự hợp tác trong thời gian tới.
“Việt Nam là quốc gia đang phát triển, cần tư vấn kỹ thuật từ các đối tác có kinh nghiệm đi trước để Việt Nam phát triển xanh, bền vững ngành nông nghiệp cũng như tham gia tích cực vào thị trường lương thực thực phẩm quốc tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.