Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam là điểm đến. Trong ảnh: Tập đoàn Lego (Đan Mạch) xây dựng nhà máy tại KCN VSIP3 (Bình Dương) |
“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư
Một thông tin gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây là việc Tập đoàn Foxconn - nhà sản xuất thiết bị gốc cho nhiều hãng công nghệ lớn trên toàn cầu, trong đó có Apple, sẽ chính thức sản xuất sản phẩm giải trí thông minh - máy trò chơi Nintendo Switch, cũng như các bộ phận cảm biến dữ liệu không khí, bộ phận điều khiển của thiết bị không người lái tại Việt Nam.
Dự án này được tỉnh Quảng Ninh trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Foxconn hồi đầu tháng 7/2024, với vốn đăng ký 263,7 triệu USD, cùng với một dự án khác cũng của Foxconn, với vốn đầu tư 287,2 triệu USD.
Chuyện của Nintendo có lẽ cũng giống như câu chuyện của Apple, hay Nokia gần đây. Hai “đại bàng” công nghệ này đã và đang yêu cầu các đối tác sản xuất của mình chuyển một số dây chuyền sản xuất về Việt Nam.
Tương tự, với Nokia, danh mục các sản phẩm 5G của “ông lớn” này, bao gồm các sản phẩm AirScale, trong đó có thế hệ mới nhất của các thiết bị vô tuyến massive MIMO AirScale, bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam từ tháng 7/2024, sau đó sẽ tăng sản lượng từ tháng 9/2024.
Trong khi đó, lần lượt nhiều linh phụ kiện của Apple, bao gồm cả AirPod, kế hoạch là Macbook, iPad đã và đang bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam. Đó là lý do vì sao, Pegatron, Winston, Goertek, Luxshare… đầu tư các dự án quy mô lớn, đặt những viên gạch đầu tiên cho làn sóng đầu tư thứ 4 vào Việt Nam.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Gần đây, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic…), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn vào Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Một trong những dự án này, có thể kể đến là dự án tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD của Amkor. Đầu tháng 7/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn đã trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Amkor.
Điều đáng nói là, theo kế hoạch ban đầu, phải tới năm 2035, Amkor mới đầu tư đủ 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa nhà máy đi vào hoạt động (tháng 10/2023), Amkor đã quyết định đầu tư trước 11 năm so với dự kiến.
“Chúng tôi sẽ phát triển nhà máy ở Bắc Ninh trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu trong thời gian tới và tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam”, bà Susan Y.Kim, Phó chủ tịch Tập đoàn Amkor chia sẻ.
Amkor không phải là nhà sản xuất bán dẫn duy nhất có mặt tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Sau Intel, lần lượt HanaMircon, rồi Marvell, Synopsys… đã và đang tiếp tục đầu tư và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Samsung cũng bắt đầu sản xuất lưới bóng chíp tại nhà máy ở Thái Nguyên.
Nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, nhờ vị trí chiến lược, sự ổn định và tiềm năng phát triển kinh tế, cũng như sự thuận lợi của môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông Richard Lawton Thurston, nguyên Phó chủ tịch TSMC - công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, khi gặp Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Mỹ hồi đầu tháng 6/2024, cũng khẳng định: “Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI”.
Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, có nhiều triển vọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên phong, thực sự trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư.
“Bến đỗ” của dòng vốn ngoại
Nếu như Việt Nam là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư, thì các khu công nghiệp, khu kinh tế chính là “bến đỗ” của dòng vốn ngoại.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng lĩnh vực chế biến, chế tạo, thì vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước. Các tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Canon, Foxconn, LEGO, Goertek, Hyosung, Formosa… đều chọn “bến đỗ” là các khu công nghiệp lớn.
Bởi thế, khi Việt Nam trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường bất động sản công nghiệp trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Khoảng 2-3 năm gần đây, liên tục các dự án hạ tầng khu công nghiệp được mở mới. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Amata, VSIP, Sumitomo… và cả các nhà đầu tư trong nước đã không ngừng mở rộng hệ thống các khu công nghiệp.
VSIP, liên doanh giữa Sembcorp (Singapore) và Becamex Bình Dương, là một ví dụ. Cuối tháng 6 vừa qua, nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu này đã khởi công xây dựng KCN Bắc Thạch Hà (Hà Tĩnh). Đây là một trong 5 KCN mà VSIP dự kiến triển khai trong năm 2024, gồm KCN Thọ Lộc, KCN Bắc Thạch Hà, KCN VSIP Thái Bình, KCN VSIP Lạng Sơn và Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân (TP. Tân Uyên, Bình Dương).
Trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí mới đây, bà Somhatai Panichewa, CEO, kiêm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần đại chúng Amata VN, công bố các kế hoạch chiến lược khai phá tiềm năng đầu tư vào 4 dự án bất động sản công nghiệp trên khắp các vùng kinh tế chiến lược trải dài 3 miền Bắc, Trung, Nam, tổng diện tích 3.000 ha. Với tổng vốn đầu tư khoảng 860 triệu USD, các dự án bất động sản công nghiệp này dự kiến thu hút được khoảng 6 tỷ USD vốn đầu tư thứ cấp.
Trong số các KCN của Amata, Amata Hạ Long (KCN Sông Khoai) chính là nơi mà Foxconn và nhiều nhà đầu tư gồm Jinko Solar, Tamagawa Seiki, Parts Seiko... chọn làm nơi dừng chân. Hiện Amata Hạ Long thu hút được 18 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 2,6 tỷ USD.
Nhận thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, hồi tháng 5/2024, Marubeni (Nhật Bản) “móc hầu bao” để mua 20% cổ phần tại Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long và nhảy vào cuộc chơi đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư.
“Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang hưởng lợi từ sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn”, Savills nhận định trong một báo cáo mới đây.
“Nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn, kéo theo sự gia tăng trong việc tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng được tốt các yêu cầu về hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn”, ông Thomas Rooney, quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê công nghiệp Savills nói và cho rằng, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư bán dẫn, từ đó mang lại lợi thế của bất động sản công nghiệp cho thị trường này.
Bán dẫn không phải là lý do duy nhất khiến bất động sản công nghiệp “nổi sóng”. Savills nhiều lần nhắc đến xu hướng dịch chuyển đầu tư và cơ hội của Việt Nam để dự báo, bất động sản công nghiệp luôn là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Đón đầu làn sóng dịch chuyển
Với việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng của điểm đến Việt Nam, những năm gần đây, bất chấp tác động của Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu, Việt Nam vẫn thu hút được một lượng vốn lớn.
Năm 2023, có hơn 39,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 34,5% so với năm 2022; vốn giải ngân đạt mức kỷ lục là 23,2 tỷ USD. 7 tháng đầu năm nay, có trên 18 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ, tương ứng tăng 35,6% và 19,4%. Vốn thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng thu hút đầu tư nước ngoài có thể đạt khoảng 39-40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2023”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.
Cơ hội đang mở rộng với Việt Nam. Tuy vậy, thực tế cho thấy, cũng còn nhiều thách thức, rào cản trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt. Không chỉ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, mà cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng tung nhiều chính sách hấp dẫn để lôi kéo, thu hút dòng đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI.
Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói đến nỗi lo rằng, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp với thế giới và khu vực. Bởi thế, trong chỉ đạo của mình, ông luôn nhấn mạnh việc phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, năng lượng, nhân lực, đồng thời tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, AI, hydrogen…
Liên quan đến vấn đề này, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, nhằm thu hút và giữ chân “đại bàng”.
Ở một góc độ khác, các nhà đầu tư quốc tế cũng nhiều lần khuyến nghị, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển kết cấu hạ tầng cốt lõi như đường, cảng, cầu... để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, việc “xanh hóa” các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng được cho là cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu thế của thế giới. Hiện nay, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Lũy kế đến hết năm 2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài và 10.600 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 251,6 tỷ USD và 2,67 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt tỷ lệ khoảng 68,2% và 45,3%.