Tại Hội thảo “Cơ hội cuối cùng để cứu trái đất: Đàm phán tại COP21 và tiếng nói từ Việt Nam”, do một số tổ chức phi chính phủ và Đại sứ quán Pháp vừa tổ chức, một thông tin bất ngờ được đưa ra là Việt Nam đã đứng thứ 31 thế giới về phát thải khí nhà kính.
Theo dự tính đến năm 2020, Việt Nam phát thải tới 300 triệu tấn khí CO2 (ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Khí nhà kính là một nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng nóng lên của trái đất và gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặc dù chưa có nghĩa vụ phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nhưng lượng khí nhà kính của Việt Nam rất đáng báo động, đặc biệt mức phát thải đang liên tục tăng, từ mức trên 21 triệu tấn CO2 trong năm 1990 lên 150 triệu tấn năm 2000. Dự tính lượng CO2 này sẽ tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2020. Trong đó lĩnh vực năng lượng phát thải khí nhà kính nhiều nhất với 141.171 triệu tấn chiếm 53,1% tổng phát thải, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp với 88.355 triệu tấn chiếm 33,2% tổng phát thải…
Sự tăng nhanh về phát thải khí nhà kính đã góp phần không nhỏ đến việc làm trầm trọng hơn thời tiết cực đoan của Việt Nam. Thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Ðiều đáng lo ngại, những biến động bất thường của thời tiết, khí hậu đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp do bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cũng như tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng...
Ðồng thời, biến đổi khí hậu khiến tài nguyên nước suy giảm, hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc cấp nước ở các vùng nông thôn, thành thị, cũng như các nhà máy thủy điện.
Để hạn chế lượng khí phát thải, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, trong đó quyết liệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2055”; Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”...