Đầu tư
Việt Nam giữa vòng xoáy thương chiến Mỹ - Trung - Bài 3: Cơ hội mượn sức gió
Anh Hoa - 30/09/2019 08:27
Thương chiến Mỹ - Trung khó kết thúc nhanh khi hai siêu cường kinh tế liên tục tạo bão bằng hành động và de dọa hành động. Những vòng xoáy mới liên tục xuất hiện, tràn qua, hủy hoại các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng thương mại toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở nhất nhì khu vực, là đối tác thương mại lớn của cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi hệ lụy nếu không có kịch bản ứng phó chủ động.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio

Bài 3: CƠ HỘI MƯỢN SỨC GIÓ

Hoàn thiện thể chế được cho là giải pháp buộc phải làm để nền kinh tế, doanh nghiệp Việt che gió độc, thoát khỏi thế quân cờ. Nhưng hơn thế, đây là lúc Việt Nam có cơ hội mượn sức gió, đi nhanh hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.  

Hành trình để cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều chông gai. Ảnh: Đức Thanh

Kế thoát hiểm

Cho tới thời điểm này, khi tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung đến Việt Nam chưa rõ ràng, vì bản chất cũng như diễn biến phức tạp của nó, việc đề ra chính sách ứng phó một cách cứng nhắc là không thể. Tuy nhiên, nếu chờ tín hiệu chắc chắn, rất có thể sẽ rơi vào tình thế “được vạ, má đã sưng”.

Tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có động thái quyết liệt trong việc ứng phó, tránh hệ luỵ từ thương chiến này. Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được ban hành tại Quyết định số 824/QĐ-TTg. Theo đó, các bộ, ngành liên quan phải cùng vào cuộc, phối hợp phát hiện, xử lý các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc chủ động ứng phó là khâu quan trọng khi vụ việc xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh thời gian để xử lý là rất ngắn.

Sự chủ động được hiểu theo nghĩa là phải xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những diễn biến của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

Đặc biệt, giải pháp để cân bằng hơn thương mại với Mỹ cần được lưu ý. Việc xóa bỏ tình trạng hàng nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ có thể đóng góp vào định hướng cân bằng hơn thương mại song phương, song cũng là cách để chấm dứt việc mượn đường xuất hàng vào Mỹ từ doanh nghiệp Trung Quốc.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) sẽ triển khai chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025. Các danh mục nhóm mặt hàng xuất đi các thị trường trọng điểm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ sẽ được cập nhật hàng ngày, hàng giờ...

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, cơ hội duy nhất cho Việt Nam từ thương chiến này là hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về pháp lý một cách nhanh chóng. Sự chậm trễ có thể khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về tác động của thương chiến Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, các hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp bổ sung cho nhau vô hình trung làm tăng cơ hội xuất khẩu cho các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy cơ hội của Việt Nam trong thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Song việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - vốn được kỳ vọng có thể là “đòn thoát hiểm” cực kỳ quan trọng cho Việt Nam  lại không thông đồng bén giọt.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại cuộc hội thảo mới đây rất đáng báo động. Có tới hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP. Trong 8.600 doanh nghiệp tham gia khảo sát về mức độ quan tâm tới CPTPP, có 26% doanh nghiệp có tìm hiểu, nhưng vẫn còn hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP.

Cản trở lớn nhất được các doanh nghiệp đưa ra là 84% các doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước; tiếp theo là những vấn đề về năng lực cạnh tranh thấp hay quy tắc xuất xứ quá khó... Trong khi đó, đối với CPTPP, các nước chỉ ưu tiên thuế với những mặt hàng bảo đảm quy tắc xuất xứ.

“Hành trình để cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều chông gai, mà những gai lớn nhất, nhọn nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng, tình trạng nhũng nhiễu, hay tay nghề lao động...”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết.

Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa dứt được tình trạng những văn bản trễ hẹn và những hành động trễ đà. Các quyết định, thông tư hay nghị định liên quan đến CPTPP (trừ kế hoạch thực thi) đều chậm về nguyên tắc so với yêu cầu của CPTPP là tất cả các văn bản này phải được ban hành ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (ngày 14/1/2019).

Theo bà Trang, hiện hầu hết các địa phương, bộ, ngành đều có kế hoạch hành động, nhưng tất cả đều chậm nửa năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đấy là chưa kể đến các đầu mối thông tin và những hoạt động cần thiết khác để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình.

Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, thương chiến là cơ hội để Việt Nam cải thiện cơ cấu thương mại với Mỹ theo hướng cân bằng hơn.

Cơ hội không của riêng ai

Trong nhiều năm, Việt Nam mong muốn tham gia sâu rộng hơn chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, song doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa có khả năng cạnh tranh và thời cơ cần thiết. Chính ở đây, thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một thời cơ quan trọng để Việt Nam tham gia sâu rộng hơn các chuỗi giá trị ấy.

Nhìn lại sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam mà không phải các quốc gia khác trong khu vực, có thể nhìn thấy thời cơ này ở những khía cạnh sau.

Thứ nhất, Việt Nam không phải là nước có môi trường đầu tư - kinh doanh cạnh tranh nhất, song Việt Nam lại là nước có môi trường đầu tư - kinh doanh cải thiện nhanh nhất (theo nghĩa tương đối).

Thứ hai, các lãnh đạo Việt Nam có cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, ổn định chính trị của Việt Nam, giúp củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào cam kết ấy.

Thứ ba, Việt Nam có nhiều FTA, do đó có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp ở mọi trình độ khác nhau trong chuỗi giá trị.

Song, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam phải tỉnh táo trước những thách thức và cả cơ hội trên.

Tính đến giữa tháng 8/2019, có hơn 50 doanh nghiệp đã và đang di dời nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ trong thương chiến Mỹ - Trung. Đặc biệt, trong chiến dịch rời Trung Quốc, đã có các ông lớn như HP, Dell, Apple, Google…

Song, trong lúc Việt Nam đang loay hoay ứng xử vấn đề đón dòng vốn này ra sao, thì Thái Lan và Malaysia đã đi trước một bước, với những ưu đãi khủng để kéo nhà sản xuất đang có ý định rời Trung Quốc.

Tại Thái Lan, gói hỗ trợ mới giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm cho các công ty có vốn đầu tư thực tế ít nhất 1 tỷ baht (32,61 triệu USD). Các công ty có thể nộp đơn xin ưu đãi vào năm 2020...

Bang Penang của Malaysia cũng tỏ rõ lợi thế để tận dụng hút nhà đầu tư từ thương chiến này. Nơi đây là trụ sở của các công ty như Intel hay Dell. Các công ty này chiếm 42% vốn FDI ngành sản xuất của Malaysia. Bang này đã ký thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại quốc tế Trung Quốc, đưa ra mức giá cho thuê ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và thành lập quỹ đầu tư cho start-up công nghệ.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, có những doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI thực sự muốn tìm môi trường đầu tư tốt như Việt Nam. Đó là dòng vốn thật mà Thủ tướng Chính phủ đang khuyến khích thu hút trong bối cảnh này, đúng như tinh thần được nêu tại Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam vẫn tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hộ quyền của nhà đầu tư.

“Cần phân biệt rạch ròi để tránh nhầm lẫn, gây ảnh hưởng không tốt đến dòng vốn thật này. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua Việt Nam sản xuất theo đúng thông lệ quốc tế, thì những sản phẩm đó đủ điều kiện được coi là hàng Việt Nam. Họ làm đúng, nhưng thời điểm này, nhằm tăng cường bảo hộ ngành sản xuất trong nước, nước nhập khẩu lại thay đổi quan điểm khiến họ bất lợi và Việt Nam cũng không thể làm gì”, ông Khánh cho biết.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi theo nghĩa tương đối và có một số cơ hội đáng kể trong thương chiến  này. Nhưng thực tế cho thấy, để trở thành địa bàn khai thác cơ hội thật, có lợi ích cho tất cả các bên, thay vì trở thành quân bài làm lợi thế chỗ cho các đối tượng nước ngoài, Việt Nam cần phải hành động rất quyết liệt, chủ động, cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Cơn bão nào cũng sẽ qua, song để không bị cuốn vào tâm bão, lại tận dụng nguồn năng lượng của bão để tranh thủ cơ hội từ sân chơi toàn cầu, Việt Nam phải kiên trì tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng, thuận lợi, cạnh tranh hơn.

Mỹ - Trung có thể đàm phán ngày 10/10

CNBC hôm 26/9 trích lời một nguồn tin thân cận cho biết, Mỹ và Trung Quốc dự kiến đàm phán trong 2 ngày 10 và 11/10 tại Washington (Mỹ).

Vài tuần gần đây, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục có động thái nhượng bộ, nhằm hạ nhiệt căng thẳng đã kéo dài hơn một năm qua. Hôm 25/7, trong một cuộc gặp với lãnh đạo các nước tại Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, giới chức Trung Quốc rất muốn đạt một thỏa thuận. Và điều này có thể xảy ra sớm hơn bạn nghĩ. Dù vậy, ông vẫn khẳng định sẽ không chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ với Trung Quốc.
Tin liên quan
Tin khác