Đầu tư Phát triển bền vững
Việt Nam hành động quyết liệt, trách nhiệm để thực hiện cam kết tại COP26
D.Ngân - 04/08/2022 15:03
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành một lần nữa khẳng định quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V.

Sáng ngày 4/8/2022, Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V đã được tổ chức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động, ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội như vấn đề rác thải nhựa, bảo vệ môi trường nơi sinh sống.

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra;

Việt Nam hành động quyết liệt, trách nhiệm để thực hiện cam kết tại COP26.

Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh;

Đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong tương lai phải có giải pháp đồng bộ chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

Đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các lưu vực sông; thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải

Bên cạnh đó có lộ trình, nhiệm vụ triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng; giảm phát thải khí nhà kính;

Sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Đảng và Chính phủ ghi nhận nỗ lực mà ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được thời gian qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định quan điểm của Việt Nam là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường bởi đây là vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định quan điểm của Việt Nam là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường 

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, hiện đang triển khai những bước đi quyết liệt để thực hiện cam kết này. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, cắt giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án, và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, đất đai, đảm bảo tỷ lệ cây xanh ở đô thị, tỷ lệ che phủ rừng;

Đồng thời xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; chú trọng đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tăng cường nguồn lực đầu tư để giảm phát thải, bảo vệ môi trường. 

Về chuyển đổi năng lượng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án, và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi. 

Không chỉ lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và tổ chức quy hoạch cũng rất quan trọng về bảo vệ môi trường vì các quy hoạch này liên quan đến diện tích cây xanh trong đô thị.

Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành phải hết sức chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch cũng như theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra. Chẳng hạn, diện tích cây xanh trong đô thị phải chiếm 16%.

Không điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các khu vực quy hoạch cây xanh sang nhà ở, kinh doanh thương mại. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát lại các dự án, nhà máy trong đô thị để từng bước di dời.

Một vấn đề nữa mà Phó Thủ tướng nhắc các bộ, ngành, địa phương là ưu tiên dành nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Đây là vốn “mồi” để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển lĩnh vực này. 

Tin liên quan
Tin khác