Đây là dữ liệu do Tổng cục Thống kê thực hiện dựa trên kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, về mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hoá, già hóa dân số, đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069.
Những phát hiện chính từ nghiên cứu này nhằm tiếp tục cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số và đề xuất những khuyến nghị nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, 5 năm đầu của thời kỳ dự báo (từ 2019-2024) tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%.
Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, từ năm 2064-2069 (cán mốc gần 117 triệu người vào năm 2069).
Các bạn trẻ chụp ảnh mừng Giáng sinh 2020. Ảnh minh hoạ: Lê Toàn |
Ngoài ra, Tổng Cục thống kê dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039 và đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007.
Cơ cấu dân số “vàng” được lý giải là khi tỷ trọng dân số trẻ em (từ 0-14 tuổi) nhỏ hơn 30%, còn tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) nhỏ hơn 15%. Cơ cấu dân số “già” khi có từ 10-20% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Dự kiến, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%.
Kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.
Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong lai sẽ có sự thay đổi theo hướng dân số “già” và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi.
Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh.
Ngoài ra, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ là những vấn đề nổi lên trong thời gian tới.
Theo Tổng Cục thống kê, gần 62% tổng số người di cư trên cả nước thuộc nhóm từ 20-39 tuổi.
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng nhập cư lớn nhất cả nước.
Đặc biệt, Đông Nam Bộ, vùng kinh tế phát triển với các khu công nghiệp lớn, tiếp tục là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư với 1,3 triệu người nhập cư.
Tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (200,4‰) trong số 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương và tỉnh Sóc Trăng có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất (-75,0‰).