Chiều 27/7, TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc-xin Covid-19 với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc-xin Covid-19 với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. |
Theo đó, Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản, đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19.
Công nghệ vắc-xin được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức công nghệ sản xuất vắc-xin tái tổ hợp. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vắc-xin và công nghệ.
Trước đó, ngày 7/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.
Theo đó, đối với dự án hợp tác chuyển giao công nghệ giữa tập đoàn AIC và Công ty Shionogi (Nhật Bản) và vắc-xin theo công nghệ mNRA), hiện nay Bộ Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác và đang chuẩn bị kế hoạch triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam (đầu mối là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và làm các thủ tục chuyển giao công nghệ (đầu mối là Vabiotech).
Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc-xin ra thị trường.
Dự án chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga: Đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin Sputnik-V từ bán thành phẩm.
Theo đó, Vabiotech đã tiến hành đóng ống và gửi mẫu sang Liên bang Nga để kiểm định chất lượng, dự kiến đến 10/8/2021 sẽ có kết quả kiểm định sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Đối với các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với Mỹ, hiện Bộ Y tế đã đã cử 1 nhóm chuyên gia phối hợp cùng WHO hỗ trợ đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2-3 theo quy trình rút gọn, dự kiến khởi động nghiên cứu vào 1/8 và kết thúc cuối tháng 12/2021.
Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc-xin tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.
Liên quan đến việc sản xuất vắc-xin nội, ngày 27/7 đã diễn ra cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin Nano Covax cho 12.000 tình nguyện viên
PGS.TS. Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, 12.000 tình nguyện viên được tiêm theo tỷ lệ 2:1 (tức "2 người tiêm vắc-xin, 1 người tiêm giả dược") với nhóm liều duy nhất 25mcg.
Trước đó, 13.000 tình nguyện viên (đợt 3a và 3b) đã hoàn thành mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên vắc-xin Nano Covax vào ngày 14/7; sau đó, 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a) hoàn tất mũi tiêm thứ 2 vào ngày 22/7.
Các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến. Dự kiến ngày 15/8, các đơn vị sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của cả giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước: Phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tại Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên triển khai tại địa phương.
Phía Nam do Viện Pasteur TP.HCM làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại địa phương.
Vắc-xin phòng Covid-19 Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp.
Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vắc-xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021; giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021.