Cấp thiết xây dựng và phát triển mô hình KCN sinh thái
Ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): "Xây dựng KCN sinh thái là vấn đề cấp thiết hiện nay của Việt Nam". Ảnh: Hà Minh |
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế (KKT) – Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Việt Nam là một nước đang phát triển, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển công nghiệp tại Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới. Với định hướng trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, các hoạt động sản xuất tại Việt Nam thời gian vừa qua gia tăng mạnh mẽ, mức độ tiêu tốn nước và năng lượng hóa thạch cho sản xuất tăng, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Tình trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển theo hướng bền vững, phát triển các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó xây dựng và phát triển mô hình KCN sinh thái nhằm ”xanh hóa sản xuất” là một trong những giải pháp đã được triển khai trên thế giới và cần được đẩy mạnh ở Việt Nam. Vì vậy, Hội thảo rất mong nhận được những chia sẻ từ các chuyên gia thế giới, đại diện lãnh đạo các địa phương và các KCN trên cả nước.
Là quốc gia có những hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, bà Beatrice Maser, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm mà Thụy Sỹ đã triển khai để đối phó với biến đổi khí hậu. Theo bà Beatrice Maser, tại Thụy Sỹ cũng đã và đang tiếp tục đối mặt với các thảm họa môi trường chung của thế giới.
Tuy nhiên, thời gian qua, Thụy Sỹ đã đề ra những chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hơi để đối phó có hiệu quả với sự ô nhiễm về môi trường... Vì vậy, Thụy Sỹ rất chia sẻ với những vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải hiện nay. Từ đó, những năm thập kỉ 90, Thụy Sỹ đã hỗ trợ kinh phí và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam cả về phương pháp, các chương trình cải cách mà Thụy Sỹ đang ứng dụng để môi trường Việt Nam được cải thiện tốt nhất.
TS. Heinz Leuenberger, cố vấn kỹ thuật trưởng của Dự án UNIDO: "Việc xây dựng thành công các KCN sinh thái bắt đầu từ các BQL, tuân thủ nghiêm ngặt của các doanh nghiệp về xử lý nước thải, rác thải...". Ảnh: Hà Minh |
Trong khi đó, TS. Heinz Leuenberger, cố vấn kỹ thuật trưởng của Dự án UNIDO thì cho rằng, việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên và xây dựng nền kinh tế của các quốc gia sạch hơn đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Cụ thể là từ năm 2011, Liên minh Châu Âu (EU) đã phát hành ấn bản về tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên trong sản xuất công nghiệp, phát hành cho các thành viên trong khối để tìm được sự đồng thuận chung trong bảo vệ môi trường.
“Bên cạnh đó, 194 quốc gia đã ký cam kết mục tiêu phát triển niên kỷ về chống biến đổi khí hậu vì môi trường xanh thế giới. Trong đó, có 16 mục tiêu áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, 8/16 mục tiêu liên đến hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên... Đây là minh chứng sự quyết tâm cao về bảo vệ môi trường”.
Cũng theo TS. Leuenberger thì Dự án Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” là dự án lớn, vì vậy, UDIDO cùng với Bộ Kế hoạch-Đầu tư sẽ triển khai hiệu quả, nhanh chóng và sẽ triển khai thành nhiều mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam.
321 KCN thu hút 128 ngàn dự án FDI và đầu tư trong nước
Theo ông Trần Duy Đông, thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp của Chính phủ Việt Nam, từ năm 1991 đến nay, cả nước đã xây dựng 321 KCN, KCX với tổng diện tích đất tự nhiên gần 90 nghìn ha, thu hút trên 6.600 dự án FDI và 6.200 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 105 tỷ USD và 693 ngàn tỷ đồng; các KCN đang hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy trên 71%. Các doanh nghiệp trong KCN chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp; chiếm trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, đóng góp trên 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước hàng năm.
Các kết quả trên cho thấy hệ thống các khu công nghiệp ngày càng có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, là động lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại các địa phương và cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN với số lượng lớn trong thời gian qua đang gây ra nhiều thách thức, nhất là các KCN thách thức về môi trường.
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu, các chuyên gia quốc tế. Ảnh: Hà Minh |
Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện với nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ được triển khai nhằm xây dựng các mô hình KCN xanh, thân thiện với môi trường.
Dự án có tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 4.554.000 USDvới mục tiêu tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và các biện pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, quản lý tài nguyên và hóa chất tại các KCN; thúc đẩy việc hợp tác sử dụng chung tài nguyên và các sản phẩm phụ giữa các doanh nghiệp trong cùng KCN từ đó thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái đối với các KCN: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ).
“Nhằm thực hiện mục tiêu Xanh hóa sản xuất trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Chính phủ yêu cầu những KCN, KKT mới thành lập phải được thiết kế và xây dựng theo những chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và đảm bảo không gian xanh, và khuyến khích các công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải để hình thành các KCN sinh thái. Đồng thời, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các Nghịđịnh quy định về KCN, KKT trong đó quy định cụ thể về mô hình KCN sinh thái” – ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.