Một cuộc họp của Liên hợp quốc. (Nguồn: UN) |
Tại phiên thảo luận, các nước chia sẻ các kinh nghiệm quốc gia trong xóa đói giảm nghèo, nêu các thách thức đối với những nỗ lực này trên bình diện quốc tế và ở từng quốc gia.
Quan điểm chung của các nước đều cho rằng xóa nghèo là mục tiêu bao trùm nhất, có tính quyết định đối với các Mục tiêu Phát triển bền vững khác; nghèo đói là một hiện tượng “đa chiều” cần được định nghĩa không chỉ theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người.
Để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo dưới mọi hình thức về trên mọi bình diện, cần có những chiến lược phát triển phù hợp, cân bằng trên cả 3 trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường.
Các chính sách xã hội nhằm đảm bảo an sinh, cung cấp dịch vụ công cơ bản, thúc đẩy bình đẳng giới…có vai trò quyết định đối với tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự hỗ trợ về nguồn lực từ các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển, chuyển giao công nghệ và xóa bỏ hố ngăn cách về khoa học-kỹ thuật-sáng tạo giữa các quốc gia và trong phạm vi các quốc gia.
Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có bài phát biểu nêu các thành tựu của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo; những thách thức lớn mà Việt Nam đang đối mặt trong việc thực hiện xóa nghèo hoàn toàn, bao gồm việc tái cấu trúc nền kinh tế, tìm kiếm mô hình phát triển bền vững, duy trì các thành quả trong xóa đói nghèo, tránh “tái nghèo,” giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội, “để không ai bị bỏ lại sau,” đặc biệt là các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa…
Việt Nam cũng kêu gọi Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thông qua việc cung cấp nguồn lực, tư vấn chính sách tổng thể, làm cầu nối với các định chế tài chính quốc tế… Bài phát biểu đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.