Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Pháp. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Tại buổi hội đàm, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp ngày càng được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa và lịch sử, đây là những điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hai bên cũng thống nhất nhận định là hợp tác về kinh tế và thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn và cần phải được thúc đẩy trong thời gian tới, vì cả hai nước đều có chung lợi ích trong quá trình mở rộng hợp tác kinh tế, vốn là nội hàm chủ đạo của quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên vừa ký kết tháng 9/2013.
Hai Bộ trưởng cũng đề cập những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, năng lượng hạt nhân, kỹ thuật hàng không, y tế, nông sản thực phẩm... Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu phát triển. Hai bên cũng nhận thấy tiềm năng to lớn có thể giúp hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng sự hợp tác trong thời gian tới trên cơ sở đối thoại thẳng thắn và tin tưởng lẫn nhau.
Chiều 7/4 tại Paris, tại buổi gặp gỡ với hơn 100 tập đoàn hàng đầu của Pháp do Hiệp hội doanh nghiệp Pháp (Medef) tổ chức, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá cao trình độ phát triển của Pháp trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, quản trị doanh nghiệp và khẳng định đây là những lĩnh vực Việt Nam đang hướng tới để thu hút đầu tư.
Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thúc đẩy tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình. Môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng thuận lợi do Việt Nam đang triển khai ba mũi đột phá là minh bạch hóa các chính sách phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại trong các lĩnh vực giao thông và năng lượng nhằm đủ sức hấp thụ các dòng vốn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng sắp tới Việt Nam sẽ mở rộng cho tư nhân đầu tư vào khu vực hạ tầng theo hình thức đối tác công-tư (PPP) nhằm phát huy hiệu quả của các nguồn vốn. Các lĩnh vực này từ trước đến nay vẫn được khu vực Nhà nước đảm nhiệm bằng việc vay vốn nước ngoài. Đây thực sự là cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Pháp. Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đang cổ phần hóa mạnh mẽ và các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng đang thực hiện tái cấu trúc cũng mở ra cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp Pháp đến thiết lập quan hệ đối tác.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình hợp tác kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành một cửa ngõ quan trọng của một thị trường 600 triệu dân với nhu cầu hàng hóa phong phú, đa dạng. Việt Nam cũng là một nền kinh tế năng động trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực chiếm 2/3 dân số trên thế giới, chính vì vậy các triển vọng hợp tác là rất lớn, không chỉ riêng với Pháp mà với toàn bộ châu Âu.
Ông Thierry Courtaigne, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế của Hiệp hội doanh nghiệp Pháp (Medef), cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động và đổi mới mạnh mẽ, đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Pháp đến hợp tác và kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Michel Drobniak, Tham tán kinh tế thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đánh giá cao các tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa hai nước dựa trên cơ sở sự tăng trưởng ổn định của Việt Nam trong những năm qua, lực lượng lao động trẻ, có tay nghề cao và các quá trình cải cách đang được đẩy mạnh.
Trong phần tiếp theo của buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp liên quan đến khó khăn trong quá trình tham gia đấu thầu và triển khai các dự án, cụ thể như việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội, các dự án năng lượng tái tạo, hay quá trình bảo lãnh đầu tư theo hình thức PPP…
Bộ trưởng cũng cung cấp những thông tin hữu ích, đưa ra những lời khuyên nhằm giúp các doanh nghiệp Pháp tháo gỡ khó khăn, chủ động đưa ra các quyết định và các giải pháp, tìm cách tiếp cận mới nhằm triển khai thành công các dự án./.
Chủ tịch nước phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 18/3, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Nhật Bản - cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất ở châu Á. |
Bích Hà/Paris (Vietnam+)