Ông Per Bertilsson tại buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Ông có thể chia sẻ vài nét về tầm nhìn và tôn chỉ hoạt động của GGGI?
GGGI là một tổ chức khuyến khích cách tiếp cận xanh. Chúng tôi tin có thể vừa đạt được các mục tiêu kinh tế, vừa đảm bảo môi trường bền vững và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên lâu bền, song song với việc đạt mục tiêu giảm nghèo và hòa nhập xã hội.
Chính vì vậy, chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều này ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, chúng tôi hoạt động tại 25 quốc gia ở châu Phi, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ La tinh.
Một trong những điểm nhấn của GGGI là, hoạt động của chúng tôi xuất phát từ các đánh giá, phân tích phục vụ phương pháp tiếp cận tăng trưởng xanh. Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch và tập trung thực hiện các kế hoạch đó. Chúng tôi đang nỗ lực để mục tiêu chiến lược và kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh thực sự được thực hiện.
Thưa ông, điều gì thúc đẩy GGGI triển khai mạnh mẽ các hoạt động tại Việt Nam ngay sau khi thành lập?
Tôi thực sự vui mừng khi nói rằng, Việt Nam là một trong những nước thành viên sáng lập GGGI. Việt Nam đã thể hiện vai trò đầu tàu ngay từ đầu, vào năm 2011 - 2012 và đã thực hiện thành công nhiều hoạt động.
Chúng tôi đã có được sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là chìa khóa thành công trong quá trình GGGI thúc đẩy quan hệ hợp tác với các bộ, ngành và các cấp liên quan tại Việt Nam.
Những ưu tiên của GGGI tại Việt Nam trong những năm tới là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng, GGGI muốn tập trung vào việc thực hiện cách tiếp cận tăng trưởng xanh. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Quốc gia Tăng trưởng xanh và đang thực hiện Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh. Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ trong quá trình thực hiện. Một trong những trọng tâm của GGGI hiện nay là kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ở cấp địa phương, vì vậy đây là một cơ hội để chúng tôi hỗ trợ Chính phủ.
Thêm nữa, thách thức đô thị vẫn còn rất lớn. Vì vậy, cần quản lý cách tiếp cận xanh trong quá trình tổ chức thực hiện và lồng ghép nó trong việc phát triển các đô thị một cách hợp lý. Đây cũng là hướng mà chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.
Đặc biệt, khi nói đến GGGI, thì điều quan trọng là thấy được vai trò lãnh đạo, nhu cầu và lợi ích quốc gia của đối tác. Do vậy, chúng tôi không xác định trọng tâm trong vấn đề hợp tác, mà là xác định quá trình hợp tác dựa trên nhu cầu và lợi ích của quốc gia. GGGI và đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đang cùng trao đổi chi tiết về Khung hợp tác giữa GGGI và Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và tăng trưởng xanh nói riêng là vấn đề toàn cầu. Vậy, làm thế nào GGGI có thể liên kết ưu tiên và chiến lược của tổ chức với các chương trình nghị sự phát triển toàn cầu, như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mới đây?
Mục tiêu phát triển bền vững liên quan nhiều tới nhiệm vụ của GGGI. Vài tuần trước, tôi đã sang Philippines thảo luận với cơ quan phát triển kinh tế quốc gia về hỗ trợ kế hoạch phát triển quốc gia này, đặc biệt tập trung về mục tiêu phát triển bền vững. Tôi nghĩ rằng, GGGI có thể giúp Chính phủ thực hiện các mục tiêu mới này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều đó có thể đạt được khi khuôn khổ có hệ thống thực hiện triệt để cách tiếp cận tăng trưởng xanh. Vì vậy, các quốc gia đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần xác định những hoạt động họ cần thực hiện, nguồn lực nào cần có để thực hiện các hoạt động này, cũng như xác định nhu cầu cần hỗ trợ cụ thể. Trên cơ sở đó, GGGI có thể phối hợp hỗ trợ những hoạt động phù hợp tôn chỉ, mục đích của mình.