Đầu tư và cuộc sống
Việt Nam mất gì và được gì khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ?
Phương Linh - 14/08/2015 07:18
Nhân dân tệ mất giá sẽ tác động tiêu cực lên cán cân thương mại Việt Nam và tạo áp lực lên tiền đồng, chứng khoán... song cũng có thể làm nhẹ bớt các khoản vay.

Trong 3 ngày liên tiếp, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lần lượt hạ tỷ giá tham chiếu với các mức 2%, 1,6% và 1,1%. Đây là mức phá giá kỷ lục của nước này từ năm 1994, đảo ngược chính sách ổn định đồng nội tệ trước đó. Là quốc gia láng giềng và có mối quan hệ kinh tế mật thiết, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng từ đợt biến động tài chính này.

1. Thương mại

Nhân dân tệ mất giá sẽ tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của Việt Nam. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng lên do giá rẻ hơn, trong khi xuất khẩu lại gặp khó, nhất là nông sản khi đây là thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam. Năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tương đương 29 tỷ USD. Nửa đầu năm nay, con số này là 16 tỷ USD nên số liệu cả năm có thể tăng thêm sau động thái hạ tỷ giá.

Hàng Trung Quốc có thể vào Việt Nam nhiều hơn sau khi nhân dân tệ giảm giá. Ảnh: Anh Quân

Bên cạnh đó, khi nền kinh tế giảm tốc, các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tìm cách bán hàng ra bên ngoài để kiếm lợi nhuận. Với sự hỗ trợ về tỷ giá, những mặt hàng như dệt may, thủy sản và thép "Made in China" có thể chèn ép hàng Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Theo thông tin từ các hiệp hội, hiện hàng hóa Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh số một với hàng Việt.

Diễn biến này cũng có thể khiến một số nền kinh tế như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… phải xem xét chính sách tiền tệ nhằm cải thiện tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Điều này sẽ tiếp tục tạo nên bất lợi cho hàng hóa Việt Nam, vốn đã phải chật vật chống đỡ những cú sốc từ yen Nhật, euro thời gian qua.

2. Ngoại hối

Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn giữ thông điệp ổn định tỷ giá trong room 2%. Tuy nhiên, một ngày sau khi nhân dân tệ bị phá giá lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã tăng biên độ tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2%, kéo theo phạm vi biến động tỷ giá có thể lên cao nhất 22.106 đồng. Mặc dù đây không phải động thái làm giảm giá đồng tiền trực tiếp, nhưng về bản chất có tác động tương tự do tiền đồng đang giao dịch ở mức trần trong thời gian qua.

Trung Quốc phá giá tiền tệ khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Ảnh: China Daily

Với thông tin này, thị trường ngoại hối lập tức nóng lên. Giá USD ngân hàng thiết lập mặt bằng mới, có lúc lên 22.105 đồng. Giá vàng SJC bán ra gần chạm ngưỡng 35 triệu đồng một lượng vào sáng nay, cao hơn 2 triệu đồng so với đầu tuần.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái điều chỉnh này là cần thiết bởi sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cải thiện cán cân thương mại, đặc biệt khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sắp tăng lãi suất.

“Ngân hàng Nhà nước về mặt kỹ thuật có thể tiếp tục cam kết giữ mức phá giá tiền đồng tối đa 2% trong năm 2015 ở thời điểm hiện tại, nhưng đây chỉ là một động thái kéo dài thời gian. Đợt phá giá tiếp theo sẽ có biên độ lớn hơn và diễn ra không sớm thì muộn”, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định. Còn nếu muốn tiếp tục bảo vệ tỷ giá, Việt Nam có thể phải trả giá bằng việc dự trữ ngoại hối sẽ bị tiêu tốn. 

3. Chứng khoán

Việc thị trường ngoại hối chao đảo do Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, cộng với những rủi ro doanh nghiệp gặp phải từ tỷ giá biến động đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ 3 ngày liên tiếp, tổng mức giảm của Vn-Index là hơn 20 điểm. “Phá giá đồng nhân dân tệ làm suy yếu tâm lý thị trường. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Thị trường toàn cầu đồng loạt giảm khi đồng nhân dân tệ tiếp tục trượt giá”, VCSC hàm ý.

Vn-Index mất hơn 20 điểm trong 3 ngày khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.

Ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhận định “cuộc chiến tranh tiền tệ” xuất phát từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường vốn nên phải theo dõi chặt chẽ.

Song, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi. Trung Quốc hạ tỷ giá có thể khiến quyết định tăng lãi suất của FED chậm lại, kéo theo dòng tiền của khối ngoại vẫn ở lại các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Từ ngày 11-13/8, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 290 tỷ đồng trên sàn TP HCM, tương đương 13 triệu USD.

4. Đầu tư

Hiện tại, Trung Quốc đứng thứ 9 trong 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 8,1 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với mức vốn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ…

“Đồng nhân dân tệ mất giá chưa tác động rõ ràng đến đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam vì đa phần nguồn FDI này đã được chuyển hóa qua kênh thương mại, thông qua con đường nhập khẩu máy móc thiết bị”, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chia sẻ.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc là nhà tài trợ vốn. Ảnh: Phương Sơn

Tuy nhiên, trong lĩnh vực hạ tầng, Trung Quốc đang tham gia nhiều dự án đường sắt đô thị, bởi vậy chi phí ở các dự án này có thể chịu ảnh hưởng. Lấy ví dụ với tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tổng đầu tư 552 triệu USD do Trung Quốc tài trợ vốn, tổng thầu cũng là nước này. Khi nhân dân tệ mất giá, Việt Nam sẽ hưởng lợi khi máy móc thiết bị mua từ Trung Quốc rẻ hơn, song cũng có mặt hại là phần tiền chi trả cho nhà thầu trong nước, quy đổi từ nhân dân tệ ra tiền đồng sẽ ít đi.

Tuy nhiên, để lượng hóa tác động cụ thể là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào cơ cấu dự án, trong đó có bao nhiêu phần trăm dùng để mua hàng, trả cho phía nhà thầu Trung Quốc và bao nhiêu phần trăm là do Việt Nam đảm nhận.

5. Ngân sách

Theo số liệu chính thức gần đây nhất ở Bản tin nợ nước ngoài số 7 của Bộ Tài chính, cuối năm 2010, dư nợ Chính phủ với Trung Quốc là 551,7 triệu USD, chiếm 2% tổng dư nợ Việt Nam; dư nợ của doanh nghiệp vay Trung Quốc được Chính phủ bảo lãnh là 1,12 tỷ USD (quy đổi theo tỷ giá cuối năm 2010). Việt Nam cũng nhận ODA và vay ưu đãi của Trung Quốc 395,8 triệu USD tính đến hết tháng 6/2015 (số liệu đã được quy đổi theo tỷ giá), chiếm 1% tổng vốn.

Với việc nhân dân tệ mất giá, Việt Nam sẽ được lợi với những khoản vay này khi thanh toán. Song, tỷ giá VND/USD biến động lại gây bất lợi khi các khoản vay bằng đôla Mỹ đến hạn. Một nguồn tin cho biết sau khi Việt Nam “tốt nghiệp” các ưu đãi vào năm nay, tốc độ trả nợ sẽ phải tăng lên, từ mức khoảng 7,5 tỷ USD mỗi năm lên 9,5 tỷ USD, điều này sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách - vốn đã khó khăn, nếu tỷ giá với đôla Mỹ còn tăng tiếp.

6. Du lịch

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay khách du lịch từ Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các khách quốc tế đến Việt Nam (gần 25%), với mức 1,9 triệu khách năm 2014 và gần 950.800 trong 7 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, việc nhân dân tệ mất giá liên tiếp sẽ khiến những người có thu nhập trung bình hoặc khá ở Trung Quốc hạn chế đi du lịch hoặc mua sắm ở nước ngoài, do chi phí đắt đỏ hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam.

Khách du lịch từ Trung Quốc có thể sụt giảm do chi phí ra nước ngoài đắt đỏ hơn. Ảnh: iVivu

Trước đó, Việt Nam phải đối mặt với tình hình ảm đạm từ khách du lịch Nga và một số nước châu Âu do đồng rouble và euro mất giá. 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam chỉ đón hơn 190.400 lượt khách Nga, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, thị trường này luôn có mức tăng trưởng 2 con số và thuộc top 10 thị trường gửi khách đông nhất Việt Nam.

Song, Tổng cục Thống kê cũng cho biết mặc dù chiếm tỷ lệ cao nhưng khách du lịch Trung Quốc lại là đối tượng chi tiêu thấp hơn so với khách quốc tế khác tại Việt Nam. Theo số liệu điều tra của cơ quan này, khách du lịch Trung Quốc tự tổ chức đi du lịch có mức chi tiêu bình quân khoảng 90 USD mỗi ngày, bằng 63% so với chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam. Chi tiêu trung bình ngoài tour của khách Trung Quốc là 41,28 USD một ngày, bằng 35% mức chi tiêu trung bình.

 

Tin liên quan
Tin khác