Tất nhiên, mọi chuyện là không hề dễ, bởi vấn đề không chỉ nằm ở các hướng dẫn nói chung liên quan đến việc cấp hộ chiếu vắc-xin ra sao, thị thực thế nào, có bắt buộc khách du lịch phải xét nghiệm Covid-19 hay không..., mà còn vì các vấn đề liên quan đến nhu cầu thị trường.
Việt Nam mở cửa thị trường du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19, nhất là ở các thị trường khách du lịch lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc... vẫn diễn biến phức tạp. Chưa kể, thị trường Trung Quốc đang “đóng băng”. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Việc Việt Nam mở cửa du lịch có thể nói là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phục hồi kinh tế. |
Mở cửa, nhưng khách du lịch có đến ngay hay không là câu chuyện khác. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa du lịch trở lại và kinh tế - xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi quyết định “đóng cửa”, thì việc mở cửa trở lại là quan trọng và cần thiết.
Du lịch chính là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Nếu như năm 2019, cả nước đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế - và được coi là kỳ tích, thì năm 2020, chỉ còn 3,7 triệu lượt, giảm 79,5%. Năm 2021, con số chỉ còn 157.300 lượt, giảm 95,9% so với năm trước đó.
Doanh thu từ lĩnh vực du lịch cũng đã “tuột dốc không phanh”, từ mức 755.000 tỷ đồng, tương đương 32,8 tỷ USD của năm 2019, xuống còn 312.000 tỷ đồng trong năm 2020, giảm 58,7% (tương đương 19 tỷ USD) và tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Du lịch sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng của các ngành dịch vụ và tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Có thể lấy ví dụ về tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng - địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc khá lớn vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch - để thấy, việc đóng cửa du lịch đã ảnh hưởng tới phát triển kinh tế như thế nào. Năm 2020, GRDP của thành phố này đã giảm tới 9,77% so với năm 2019. Năm 2021, có nhích lên, nhưng mức tăng trưởng GRDP chỉ là 0,18% trên nền tảng giảm sâu của năm trước.
Mở cửa du lịch vì thế là vô cùng quan trọng. Không chỉ là khách du lịch, những chính sách thuận lợi về visa, kiểm dịch... cũng sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài dễ tìm đến với Việt Nam hơn.
Hai năm qua, do dịch bệnh Covid-19, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng, không chỉ là trong thu hút đầu tư mới mà cả việc triển khai các dự án hiện hữu cũng phần nào bị chậm trễ. Chính sách mở cửa trở lại nền kinh tế, cộng với các đường bay quốc tế đang từng bước được khôi phục sẽ có tác động tích cực đối với dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Và cũng không chỉ là du lịch, sự phục hồi của ngành này cũng sẽ tác động tích cực tới các ngành kinh doanh khác. Vận tải, hàng không, nhà hàng ăn uống là một ví dụ. Chưa kể, sự hồi phục của ngành du lịch cũng sẽ có tác động lan tỏa tới các ngành sản xuất khác.
Tất nhiên, như trên đã nói, mọi chuyện là không dễ dàng. Nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch hồi phục trở lại là rất lớn. Đồng thời, dịch bệnh cũng làm thay đổi nhu cầu, thị hiếu, cách thức du lịch của người dân, đòi hỏi ngành du lịch phải nhanh chóng thích ứng.
Khi xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra dự báo rằng, ngành du lịch cần ít nhất 5 năm để hồi phục.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch khẳng định, sẽ phải mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để số lượng du khách quốc tế đạt mức như trước đại dịch Covid-19.
Làm thế nào để du khách quốc tế trở lại? Làm sao để du khách nội địa tăng tốc phát triển? Bằng cách nào để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa? Đó là bài toán mà ngành du lịch cần giải, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn. Còn hiện tại, là phải sẵn sàng mọi việc cho sự mở cửa trở lại của ngành du lịch, bởi đó là bước đi quan trọng cho tiến trình phục hồi kinh tế.