Xét ở quy mô dân số, trình độ nhân lực, khả năng học hỏi tiếp cận công nghệ mới, Việt Nam đủ điều kiện trở thành “phú quốc, cường binh” |
Điều mà tôi nhận thức được là sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự xích lại gần nhau của những quốc gia cùng lợi ích, cũng như sự bao vây lẫn nhau giữa những khối liên minh. Các siêu cường đang “cọ xát” với nhau ở các giá trị, quan điểm và ý thức hệ. Trong đó, các quốc gia nhỏ và tầm trung buộc phải đưa ra nhiều lựa chọn khó khăn. Liệu họ có cách nào để “trung lập”? Liệu họ có nên “chọn phe”? Hay là “đi dây” với cả hai bên?
Lịch sử cho thấy, các lựa chọn trung lập, chọn phe, hay đi dây đều có thể đổ vỡ ở một thời điểm nào đó. Bài học của Ukraine ngày hôm nay, hay những lựa chọn trước đó trong lịch sử đêm dài Trung cổ ở châu Âu, thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc của Trung Quốc, các giai đoạn bị thực dân đô hộ trước đây của Việt Nam, chỉ ra rằng, việc dựa dẫm vào sự ủng hộ của một thế lực bên ngoài, hay đi dây, hứa hẹn với nhiều thế lực khác nhau, chỉ là các giải pháp bề mặt. Nếu một quốc gia không có nội lực, thì nó sẽ nhanh chóng bị biến thành vùng đệm cho những cuộc tranh chấp, rồi bị chi phối, thậm chí xóa sổ khi mà các siêu cường cảm thấy cần như vậy trong chiến lược của họ. Sự phụ thuộc vào siêu cường, dù là ở bất kỳ chiến lược nào kể trên, đều là không bền vững.
Chỉ có một chiến lược bền vững, đó là làm sao cho dân giàu, nước mạnh, đạt được “phú quốc, cường binh”. Có như vậy, thì nước ta mới chân chính có thể đưa ra nhiều chọn lựa, linh hoạt và phù hợp với lợi ích quốc gia. Trung lập không phải hoàn toàn do ta khôn khéo thế nào, mà thực lực ta đến đâu. Nếu một quốc gia mà một siêu cường phẩy tay một cái là chiếm được hết đất đai, đô hộ được, thì người ta sẽ không cần quốc gia đó trung lập, và đối thủ của siêu cường đó cũng không cảm thấy quốc gia đó có giá trị gì để mà ủng hộ trong chiến lược của họ. Nói cách khác, nước yếu mà muốn trung lập cũng không hề dễ khi các siêu cường xung đột nhau kịch liệt.
Việt Nam chúng ta, xét ở quy mô dân số, trình độ nhân lực, khả năng học hỏi tiếp cận công nghệ mới và sự ổn định về chính trị, có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ “phú quốc, cường binh”.
Thế nhưng, trong mấy năm qua, Việt Nam vẫn chưa đạt được những thành quả đúng với tiềm năng. Ngoại trừ yếu tố bị tác động khách quan bởi Covid-19, có những nguyên nhân chủ quan mà nhiều chuyên gia nước ngoài đặt câu hỏi vì sao nền kinh tế Việt Nam “mãi không chịu lớn”. Trong năm 2019, nhiều bài báo cũng đã phản ánh ý kiến của các chuyên gia trong nước, lo doanh nghiệp tư nhân “không chịu lớn”. Rồi khi chúng ta nói đến chuyển sang nền kinh tế 4.0, thì báo cáo về mức độ sẵn sàng cho kinh tế số lại chỉ ra rằng, một trong những điểm nghẽn là về con người, điều mà chúng ta tưởng đã có sẵn. Theo phân tích năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của các quốc gia ASEAN+ do Viện Năng lực cạnh tranh châu Á tiến hành, nguồn nhân lực, đầu tư vào công nghệ thông tin và mức độ sẵn sàng về chính phủ điện tử của Việt Nam đều ở mức dưới trung bình của khu vực và thậm chí là tụt lại khá xa.
Ở một góc nhìn khác, khi mà những doanh nhân có tâm huyết của Việt Nam vẫn đau đáu câu hỏi vì sao nông sản Việt Nam ngon như vậy mà không thể bán ra nước ngoài, gia nhập vào siêu thị nước ngoài, hoặc nếu sang được thì giá quá cao, thì ở trong nước, nhiều người vẫn chỉ quan tâm đến phân lô, bán nền, đầu cơ đất.
Và rồi khi mà chúng ta lạc quan về sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán, với con số 5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán, thì lại đổ vỡ ra những câu chuyện như thao túng giá cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, một số cá nhân thuộc tập đoàn FLC và công ty chứng khoán có liên quan, cũng như chuyện trái phiếu Tân Hoàng Minh.
Có thể nói, điểm chung trong những câu chuyện kể trên là người ta dễ dàng chỉ ra những điểm nghẽn vì sao tạo ra những tình huống trên, nhưng không hiểu vì sao nó vẫn tồn tại. Nhiều người nói do khung pháp lý, cơ chế. Có người lại nói là điểm nghẽn do tư duy của một số cán bộ. Rồi lại có người chỉ ra là do có những quy định, rào cản pháp lý tưởng chặt mà lỏng, khiến cho một số người trục lợi chính sách trên những sân golf, hay những bữa tiệc sang trọng.
Vấn đề ở đây là chúng ta cần nhận thấy, Việt Nam đang cần một cuộc cải cách sâu rộng trong cách thức làm kinh tế. Chúng ta phải nhận ra rằng, Việt Nam đang đối mặt với 5 xu hướng lớn.
Một là, một thế giới đa cực hơn, trong đó vai trò siêu cường độc tôn của Mỹ đã bị thách thức.
Hai là, sự dịch chuyển của sản xuất ra khỏi công xưởng thế giới Trung Quốc.
Ba là, rủi ro đối đầu giữa các khối kinh tế xoay quanh Trung Quốc với các khối kinh tế đồng minh của Mỹ, khiến tiến trình toàn cầu hóa chững lại.
Bốn là, xu hướng xanh hóa và số hóa các nền kinh tế, nơi mà dữ liệu là nguồn nguyên liệu thiết yếu mới của nền kinh tế và các mô hình kinh tế xả thái, gây ô nhiễm đã không còn bền vững và sẽ khó tìm được nguồn tài trợ.
Năm là, xu thế già hóa dân số ở một số nền kinh tế trọng yếu của châu Á, nhất là Trung Quốc. Ngay cả Việt Nam cũng sẽ đi qua giai đoạn dân số vàng.
Những xu hướng này tạo ra thuận lợi cũng như thách thức cho Việt Nam. Nếu tận dụng được lợi thế, thu hút được đại bàng về làm tổ, kinh tế Việt Nam có thể tận dụng thời cơ chuyển đổi sang nền kinh tế số để tạo ra động lực tăng trưởng mới, thực thi các thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới nhờ các thuận lợi do hiệp định thương mại tạo ra và do một thế giới phẳng hơn trong môi trường số mang lại. Nhưng nếu tiếp tục dậm chân tại chỗ, thì Việt Nam có nguy cơ tụt lại phía sau về công nghệ và đối mặt với vô vàn thử thách về chênh lệch giàu nghèo, già hóa dân số, hạ tầng lạc hậu.