Năm 2020, Việt Nam có thể bắt đầu thực hiện EVFTA. |
Những phần trăm tăng trưởng xuất khẩu quý giá
Năm 2019, Việt Nam đã thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Năm 2020, Việt Nam có thể bắt đầu thực hiện EVFTA, hay có thể ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Các FTA như CPTPP, EVFTA và RCEP có thể giúp Việt Nam cải thiện tiếp cận các thị trường xuất khẩu. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, CPTPP có thể giúp tăng xuất khẩu khoảng 4,2 - 6,9%, RCEP có thể giúp tăng 3,6 - 4,3%, tùy theo kịch bản.
Với quy mô xuất khẩu ước đạt tới 263,5 tỷ USD năm 2019, rõ ràng, việc có thêm mỗi phần trăm tăng trưởng xuất khẩu đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các FTA tiếp tục mang lại những nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cho Việt Nam. Cần lưu ý, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam khá ổn định trong giai đoạn vừa qua, trong khi vốn FDI thực hiện liên tục tăng và đạt tới 20,4 tỷ USD trong năm 2019.
Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước trong hàng xuất khẩu giảm từ 78,8% năm 1995 xuống còn 55,5% năm 2015, song tổng giá trị gia tăng Việt Nam thu được từ xuất khẩu (tính theo USD) vẫn tăng trung bình 16,4%/năm trong cùng giai đoạn. Thực tiễn ấy tạo niềm tin cho việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia ngày một sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Việc thực hiện các FTA mới cũng làm tăng áp lực cần thiết từ bên ngoài đối với quá trình cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải thiện chất lượng hạ tầng của Việt Nam, nhưng chưa bao giờ hết lo ngại.
Chẳng hạn, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 103 về chất lượng hạ tầng đường bộ trong năm 2019.
Thực hiện hiệu quả các FTA, đòi hỏi phải không ngừng cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, nước...). Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh, sản xuất, vận tải... phải được đơn giản hơn, trong nhiều trường hợp là do kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Để FTA không thể là ma trận
Thách thức đầu tiên và quan trọng nhất là tạo và duy trì ý thức tìm hiểu về cơ hội, thách thức và điều kiện thực hiện các FTA. Không phải tự nhiên mà hầu hết các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế đều nhấn mạnh yêu cầu phải nâng cao nhận thức về các FTA nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung.
Bản thân tác giả đã có những lần đi giảng về CPTPP và EVFTA mà đại biểu chủ yếu là các cán bộ, công nhân viên không đảm nhận những vị trí, nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế của các cơ quan, doanh nghiệp. Có học viên thừa nhận họ chỉ quan tâm xem làm cách nào để tháo gỡ khó khăn cho hàng thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc và với họ thì CPTPP và EVFTA “còn khá xa vời”. Ngược lại, những cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương muốn tìm hiểu về các FTA thì chưa biết có kênh thông tin nào đủ chính thức, kịp thời.
Chính vì vậy, việc Việt Nam có nhiều FTA đôi khi lại làm doanh nghiệp gặp phải một ma trận thông tin về các hiệp định, cơ hội và yêu cầu khác nhau.
Thách thức tiếp theo là việc cải thiện khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung cạnh tranh về giá, song đây chỉ là bước đầu. Nếu doanh nghiệp không cải thiện được khả năng cạnh tranh trên các phương diện khác - như chất lượng, khả năng cung ứng đơn hàng lớn, thời gian cung ứng đơn hàng kịp thời và kênh phân phối - thì sẽ khó thâm nhập được thị trường các đối tác FTA, thậm chí thua ngay trên sân nhà. Câu chuyện về ngành chăn nuôi với những áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu (chân, cánh gà từ Mỹ, thịt bò Úc, Nhật Bản...) được nêu trong thời gian gần đây là một ví dụ.
Trên một phương diện khác, thách thức cũng đến từ chính khả năng tận dụng cơ hội từ quá trình thực hiện các FTA. Không ít doanh nghiệp chỉ tranh thủ tận dụng lợi thế hiện có, với chi phí thấp, dễ làm. Trong khi đó, chưa nhiều doanh nghiệp có khát vọng, xây dựng chiến lược bài bản để tạo dựng thêm các lợi thế cạnh tranh mới với doanh thu cao hơn, do chi phí cao, rủi ro và khó làm hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ. Các hiệp định khác nhau có các quy tắc xuất xứ khác nhau, thậm chí có những nhóm mặt hàng đặc biệt có quy tắc xuất xứ riêng. Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm nông sản khác so với dệt may, ở khu vực mậu dịch tự do ASEAN có thể khác với trong CPTPP và EVFTA.
Thống kê đến năm 2018 cho thấy, khả năng tận dụng ưu đãi trong một số FTA của Việt Nam còn khá thấp, phổ biến ở mức 28-35%. Dù đã thực hiện CPTPP từ đầu năm 2019, nhưng việc tận dụng ưu đãi ở một số thị trường (như Australia) còn rất hạn chế.
Cuối cùng, làm thế nào để sàng lọc dự án FDI tốt, thân thiện với môi trường là không dễ. Chính ở đây, Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 chỉ là một điều kiện cần – như là các FTA thế hệ mới. Nếu Nghị quyết này không kịp thời cụ thể hóa qua các tiêu chí đo lường và giải trình được, thì chất lượng thu hút FDI khó có thể được cải thiện.
Chính phủ và doanh nghiệp cùng trên con thuyền
Chính phủ cần tiếp tục phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là FTA thế hệ mới cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Ngay từ bước đầu này, Chính phủ và doanh nghiệp cần chia sẻ và đồng hành cùng nhau, để tránh tình trạng các cơ quan chính phủ nhìn nhận: “một bộ phận doanh nghiệp còn thờ ơ với các hội thảo phổ biến kiến thức về FTA”; còn doanh nghiệp thì cho rằng: “các nội dung phổ biến kiến thức về FTA còn chung chung”.
Đẩy nhanh quá trình cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một yêu cầu quan trọng. Doanh nghiệp ở các ngành nghề hoạt động khác nhau có thể có những yêu cầu, mong muốn cụ thể khác nhau về cải thiện môi trường kinh doanh. Với vai trò của mình, Chính phủ cần góc nhìn thấu đáo, cân bằng và cố gắng tham vấn nhiều nhóm đối tượng doanh nghiệp hơn.
Từ đó, Chính phủ và doanh nghiệp mới có thể đồng hành để xử lý hài hòa các yêu cầu tạo thuận lợi thương mại và định hướng cho doanh nghiệp phát triển xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật - giá trị gia tăng cao hơn.
Thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam thích ứng và tận dụng được cơ hội xuất khẩu trong giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính là minh chứng cho thấy tư duy quản lý “làm thay thị trường, lo thay thị trường” không còn phù hợp nữa.
Cuối cùng, Chính phủ cần đồng hành với doanh nghiệp trong việc ứng phó với các quy định, hàng rào kỹ thuật mới ở các thị trường xuất khẩu, kể cả các đối tác FTA. Cần lưu ý, những năm gần đây, có hàng ngàn thông báo về dự thảo quy định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) được ghi nhận ở các thị trường trên thế giới. Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là điều kiện cần, song sẽ tốt hơn nếu các thông tin ấy đi kèm với diễn giải, tư vấn về pháp lý, kinh doanh. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chủ động chia sẻ các kiến thức chuyên môn kỹ thuật trong ngành hàng của mình - điều mà các cơ quan quản lý, đại diện thương mại không nắm rõ - thì có thể có cơ hội góp ý, thậm chí điều chỉnh các quy định SPS, TBT ở nước ngoài theo hướng dễ tuân thủ hơn cho chính doanh nghiệp.
Thay cho lời kết
Việt Nam đã gây ngạc nhiên với không ít đối tác về mức độ tích cực trong việc ký kết các FTA, và thực tế đến nay cho thấy, các bước đi này là đúng đắn. Lo ngại về việc các FTA chỉ mang lại cơ hội cho khu vực doanh nghiệp FDI đã suy giảm đáng kể. Bước vào năm 2020, kỳ vọng có thể còn khá nhiều. Bản thân EVFTA hay RCEP có thể chưa phải là điểm cuối trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Cơ hội và thách thức từ các FTA được nói đến nhiều, thậm chí có thể được thể hiện qua những con số, tác động được mô hình hóa khác nhau. Nhưng khả năng tận dụng cơ hội và xử lý thách thức thực tế lại phụ thuộc vào chính sự chuẩn bị của cả Chính phủ và doanh nghiệp - điều chúng ta đã “thấm thía hơn” kể từ khi thực hiện CPTPP.
Đã đến lúc quá trình chuẩn bị của Chính phủ và doanh nghiệp gắn kết hơn, để minh chứng rằng, quá trình đàm phán, ký kết và thực thi FTA của Chính phủ cũng vì sự lớn mạnh của chính cộng đồng doanh nghiệp.