Thời sự
Việt Nam sẽ là trọng tâm đầu tư của doanh nghiệp Đức
Thanh Tùng - 05/10/2015 11:36
Việt Nam và Đức đang tiến hành các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao, với cam kết đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực. Nhân dịp 25 năm Ngày Quốc khánh Đức (3/10), ông Hans-Jưrg Brunner, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về sự hợp tác này.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 10/2011. Đến nay, quan hệ đối tác chiến lược này đã được triển khai như thế nào?

Quan hệ giữa Đức và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong 40 năm qua và trở thành quan hệ Đối tác chiến lược thành công và rất đáng tin cậy vào năm 2011. Hai nước chúng ta đều muốn củng cố mối quan hệ này trên các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa trong tương lai.

Về quan hệ kinh tế, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế và đầu tư. Hơn 300 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam. Năm ngoái, đầu tư của Đức tại đây đã tăng 40% so với năm 2013.

 Ông Hans-Jưrg Brunner, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức

Hai nước cũng thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Vào tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức nước Đức. Một tháng sau, Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đến TP.HCM khai mạc Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức, với hơn 850 đại diện và các nhà lãnh đạo của các công ty Đức đến dự. Tháng 3/2015, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Norbert Lammert đã khai mạc Lễ hội Đức tại Hà Nội và hơn 7.000 lượt người dự. Tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Frank Walter Steinmeier sẽ có chuyến thăm Việt Nam. Đặc biệt, tháng 11, chúng tôi chào đón chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Đức.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào cuối năm nay. Vậy trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương, Việt Nam và Đức sẽ được lợi như thế nào từ FTA này?

FTA giữa Việt Nam và EU sẽ đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Đức. Việc bãi bỏ thuế quan và các hàng rào thương mại sẽ giúp Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh. Điều này sẽ giúp việc làm ăn kinh doanh hai chiều thuận lợi hơn.

Một trong những hiệu quả của FTA này là các công ty Đức sẽ chú ý nhiều hơn tới các cơ hội to lớn tại Việt Nam. Họ sẽ chuyển đầu tư của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhờ những cơ hội kinh doanh và việc cải thiện dần dần kết cấu hạ tầng, Việt Nam rõ ràng sẽ được lợi nhiều hơn. Tôi chắc chắn rằng, đầu tư Đức tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Đâu sẽ là trọng tâm hợp tác giữa hai nền kinh tế trong những năm tới?

Một trong những trụ cột hợp tác quan trọng đối với Đức chính là lĩnh vực chính sách phát triển, trong đó hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau trong các lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và đào tạo nghề. Sự hợp tác này sẽ có lợi cho doanh nghiệp của hai nước.

Thị trường Việt Nam quan trọng như thế nào trong chính sách kinh tế của Đức?

Chính phủ Đức chưa bao giờ phát triển một chính sách kinh tế đặc biệt nào với Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Các doanh nghiệp Đức tự do quyết định nơi đầu tư và rút vốn đầu tư. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hợp tác và đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Đức không bao giờ gây ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Đức.

Trong lĩnh vực hợp tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Đức coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở châu Á. Có thể hình dung sự hợp tác này ra sao trong vài năm tới, thưa ông?

Đức và Việt Nam đã nhất quán nâng cấp chất lượng hợp tác phát triển, nhằm đóng góp mạnh mẽ hơn vào phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Trọng tâm của hợp tác phát triển mới giữa hai nước sẽ tập trung vào việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, cũng như đẩy mạnh sức cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam, dựa trên việc cải thiện kỹ năng lao động của người Việt Nam trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay. Các chương trình phát triển tương lai cũng sẽ bao gồm việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Trong vài năm tới, các hoạt động hợp tác thành công này được kỳ vọng sẽ trở thành một phần của các kế hoạch phát triển của Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác