Năm 2017, EVN dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than, trị giá 577,218 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 58,3% về trị giá.
Indonesia là một trong những thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam với số lượng 2 triệu tấn, trị giá 139,27 triệu USD. Như vậy, lượng than nhập khẩu từ Indonesia chiếm hơn 1/3 tổng lượng than nhập khẩu.
Tại hội thảo “Ngành than giữa Việt Nam-Indonesia: Đảm bảo sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng” do Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam và Indonesia hợp tác trong lĩnh vực than, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một lượng than đá lớn trong thời gian tới.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2017, EVN dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than và con số này sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2020, 19 triệu tấn vào năm 2025.
Năm 2016, EVN bắt đầu có nhu cầu nhập khẩu than và nhà máy đầu tiên sử dụng than nhập khẩu là Nhiệt điện Duyên Hải 3. Hiện, Chính phủ đang giao cho EVN xây dựng và quản lý nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu là Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Duyên Hải 3, 4 mở rộng.
“Việc đảm bảo than ổn định cho nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 là vấn đề được chúng tôi quan tâm. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình vừa nghiên cứ và áp dụng thực tế để thời gian tới có phương thức, cách thức đảm bảo nguồn cung cấp than ổn định cho phát điện”, ông Hải cho biết.
Ngoài EVN, còn có các nhà máy nhiệt điện của nước ngoài, nhà máy của các tập đoàn khác như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải nhập khẩu than.
Một vị đại diện của Vinacomin cho biết, đến năm 2020, nhu cầu than cho sản xuất trong nước là hơn 75 triệu tấn than. Tuy nhiên, than trong nước chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu, còn lại sẽ phải nhập khẩu.
Hơn thế, sản xuất than là việc khó khăn và không thể tăng sản lượng nhanh nên theo thời gian lượng than nhập khẩu tăng dần, đến năm 2030 dự kiến phải nhập 120 triệu tấn than.
“Số lượng than nhập khẩu ngày càng gia tăng sẽ là cơ hội cung cấp than của Indonesia cho Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam là thị trường hứa hẹn cho việc xuất khẩu than của Indonesia”, vị này nhận định.
Về phía Indonesia, ông Ibnu Hadi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho biết, năm 2016, sản lượng than của Indonesia là 23 triệu tấn, trong đó 60% sản lượng này là cung cấp thị trường trong nước còn lại là xuất khẩu sang các nước. Nhưng năm 2017, Indonesia chủ yếu sẽ xuất khẩu than và dự định nâng cao sản lượng tăng 25-30 triệu tấn vào năm 2018.
Được biết, có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam và Indonesia đã tham gia buổi hội thảo để kết nối, tìm kiếm cơ hội nhập khẩu cũng như xuất khẩu than. Hiện có 39 doanh nghiệp của Indonesia đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Công ty Vietmindo đầu tư vào khai thác mỏ tại Quảng Ninh - Việt Nam.