Ngày 26/8, Đại Hội đồng lần thứ 40 Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 40) với chủ đề chung “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững” đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Bangkok của Thái Lan với sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Việt Nam tham dự.
Đại Hội đồng AIPA 40 có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo Nghị viện, nghị sỹ 10 quốc gia thành viên AIPA và các nước quan sát viên, đối tác của nước chủ nhà Thái Lan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ khai mạc (Ảnh: TTXVN) |
Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững
Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan, Đại tướng Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh, các đại biểu thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Thái Lan nêu rõ suốt 40 năm qua, AIPA là một trong những đối tác gần gũi của ASEAN, đại diện cho ngành lập pháp phối hợp chặt chẽ với ngành hành pháp trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Cộng đồng Văn hóa-Xã hội lấy người dân làm trung tâm.
Theo Thủ tướng Thái Lan, cơ quan lập pháp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan hành pháp để hướng tới người dân và triển khai các chương trình đề ra. Đây là hai cơ chế đối tác có khả năng tương hỗ với nhau.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho rằng đại diện của các nghị viện thành viên AIPA, các quan sát viên, các tổ chức khác nhau đến tham dự Đại Hội đồng AIPA 40 để chia sẻ các kinh nghiệm và tri thức. Tất cả điều đó sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp của ASEAN, cũng như cộng đồng hướng về phía trước, vượt lên các thách thức để giải quyết các vấn đề như buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia, vấn đề môi trường.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai bày tỏ vinh dự chào đón lãnh đạo nghị viện, nghị sỹ các nước thành viên tham dự Đại hội đồng AIPA tại Thái Lan sau 10 năm.
Trong thời gian qua, khu vực Đông Nam Á đã có chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực nhưng cũng có một số vấn đề khó khăn vẫn còn tồn tại và xuất hiện những vấn đề khác nảy sinh như vấn nạn ma túy lan rộng từ nước này sang nước khác, bản thân vấn đề rác thải của Thái Lan cũng ảnh hưởng đến các quốc gia khác hoặc xuất hiện ở các nước khác trong khu vực.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 cũng nêu rõ rất nhiều vấn đề đòi hỏi cơ quan lập pháp phải chung tay xử lý, đồng thời cần nâng cao nhận thức của chính cơ quan lập pháp trong quá trình xử lý các vấn đề này. Đại Hội đồng AIPA 40 chính là cơ hội cho Thái Lan với tư cách là nước chủ nhà thúc đẩy các nội dung thảo luận để nâng cao nhận thức về những thách thức chung của khu vực.
Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40 Chuan Leekpai nêu rõ AIPA là một khuôn khổ thúc đẩy hợp tác giữa các nghị sỹ, nghị viện ASEAN, từ xuất phát điểm khiêm tốn, AIPA đã lớn mạnh và có sự tham gia của 10 nghị viện thành viên của các nước ASEAN, có 12 nghị viện quan sát viên trên thế giới.
Theo Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, Chủ tịch AIPA 40, đây chính là một trong những thành công vượt bậc, minh chứng cho khát vọng chung của ASEAN.
Chủ tịch AIPA 40 nhấn mạnh: “Dù đó là vấn đề an ninh, kinh tế hay bình đẳng xã hội, thì lịch sử cũng đã cho thấy chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi phối hợp, hợp tác cùng với nhau. Nhưng lịch sử luôn được viết những trang mới và chúng ta phải luôn tỉnh táo để không bị các “đợt sóng” thay đổi quét đi. Hiện tại các thách thức liên quan đến từ chủ nghĩa cực đoan, biến đổi khí hậu, dòng người di cư, các vấn đề liên quan đến tham nhũng... đều hướng chúng ta tới việc phải nỗ lực hết sức để vượt lên những thách thức làm xói mòn những thành tựu.”
Nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN
Có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA 40 ngay sau Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, một năm qua, thế giới đã trải qua nhiều biến động nhanh chóng và phức tạp. Cộng đồng ASEAN tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt, trong đó nổi lên là vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống…; kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mặc dù vậy, ASEAN vẫn đạt được những kết quả khích lệ trên cả 3 trụ cột của Cộng đồng, các nước thành viên đều duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ (trung bình ở mức 5,1% năm 2018).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất (Ảnh: TTXVN) |
Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp ở khu vực thời gian qua cũng khiến chúng ta phải lo ngại.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 vừa qua, các nước đã lên tiếng thẳng thắn về những hoạt động đơn phương trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, tác động tiêu cực tới hòa bình, an ninh và ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Vì vậy, chúng ta cần khẳng định lại những nguyên tắc và nhận thức chung đã được các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi đối với vấn đề Biển Đông; trong đó có đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, xuất phát từ những bối cảnh nêu trên, cần tiếp tục nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác để qua đó, khẳng định vai trò của ASEAN là động lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong năm 2020, năm mà Việt Nam vinh dự mang những trọng trách: là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là Chủ tịch ASEAN, đồng thời Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy AIPA trở thành một tổ chức liên nghị viện hoạt động hiệu quả, thực sự trở thành đại diện cho nguyện vọng, quyền lợi của mọi công dân ASEAN.