(baodautu.vn) Chiều 16/4/2013, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 9 về Kết nối kinh tế Việt Nam -Singapore được tổ chức tại TP.HCM dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore, ông Lim Hng Kiang.
| ||
Hội nghị lần là dịp để Việt Nam - Singapore thúc đẩy hợp tác kinh tế ngày càng hiệu quả Ảnh: Lê Toàn |
Tại hội nghị, hai Bộ trưởng đã nghe đại diện cơ quan chức năng hai nước báo cáo kết quả hợp tác, kết nối giữa hai bên trong 6 lĩnh vực: tài chính; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; công nghệ thông tin và truyền thông; đầu tư; thương mại và dịch vụ.
Trong lĩnh vực tài chính, trước các đề nghị của Singapore, đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ xem xét để sớm cấp phép để 2 ngân hàng Singapore là UOB (United Overseas Bank) và OCBC chuyển từ Văn phòng đại diện tại Việt Nam thành Chi nhánh, nhằm tạo thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh, cũng như hỗ trợ tốt hơn các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.
Đồng thời, đại diện của Bộ Tài chính Việt Nam và Cục Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, hai bên đã có nhiều hợp tác cụ thể trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường tài chính.
Các doanh nghiệp Việt Nam coi thị trường chứng khoán Singapore là thị trường ưu tiên để niêm yết trái phiếu và cổ phiếu nhằm thu hút vốn đầu tư ngoại. Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Vietinbank đã niêm yết trái phiếu tại thị trường chứng khoán Singapore. Vingroup đang có kế hoạch đưa cổ phiểu lên niêm yết tại đây. Tập đoàn Khí Việt Nam (PVGas) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng có dự định niêm yết cổ phiếu ở Singapore.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của MAS để đưa ra các định hướng phát triển tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Lim Hng Kiang cho biết, hai bên hài lòng với hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, và hy vọng hai bên sẽ đạt nhiều kết quả hợp tác hơn nữa.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, một trong 3 nội dung chính của Đề án Tái cấu trúc kinh tế nền Việt Nam là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, do đó hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.
| ||
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trao đổi những nội dung hợp tác với Singapore |
Đối với đề xuất của Singapore về việc cho phép các công ty tàu biển Singapore được niêm yết cước vận tải bằng USD theo thông lệ quốc tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết rất quan tâm tới đề nghị này, tuy nhiên, hiện luật pháp Việt Nam quy định giá tại Việt Nam phải được niêm yết bằng tiền đồng.
Về đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao và hoan nghênh các dự án FDI của Singapore tại Việt Nam. Singapore hiện nay đứng thứ hai về FDI trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Tại hội nghị, đại diện Singapore đã nêu những khó khăn của các dự án FDI Singapore tại Việt Nam. Cụ thể, Dự án VSIP tại Hải Phòng và Quảng Ngãi đều chậm tiến độ do vướng công tác giải phóng mặt bằng; APL gặp khó khăn trong việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp; Dự án cảng Quốc tế PSA tại khu vực Cái Mép - Thị Vải gặp khó khăn trong triển khai hoạt động vì thiếu đường dẫn….
Khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Singapore, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, ngay sau hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với Hải Phòng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho VSIP Hải Phòng; làm việc với Tổng cục thuế về giải quyết nhanh cho APL.
"Đối với dự án cảng PSA tại Vũng Tàu, điều khó nhất là đang thiếu vốn nghiêm trọng. Do vậy, tôi sẽ trực tiếp bàn với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giải quyết vấn đề này. Khi đường liên cảng giai đoạn 1 thông thì vấn đề PSA sẽ được giải quyết”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Trong khuôn khổ đầu tư, phía Singapore cũng đề xuất tham gia Dự án cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Bộ trưởng Vinh cho biết sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo TP.HCM để sớm có câu trả lời cho phía bạn. Ngoài ra, trong hợp tác công tư (PPP), Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Quản lý đấu thầu (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm cơ quan đầu mối giải quyết mọi vấn đề PPP với Singapore.
* Theo thỏa thuận, Hội nghị cấp Bộ trưởng về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore được tổ chức luân phiên và định kỳ hàng năm nhằm rà soát kiểm điểm việc triển khai các nội dung cam kết và đề ra kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian tới. * Hiệp định Kết nối Kinh tế Việt Nam-Singapore được 2 chính phủ ký năm 2005, là chương trình hợp tác toàn diện trong 6 lĩnh vực: tài chính; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; công nghệ thông tin và truyền thông; đầu tư; thương mại và dịch vụ. Ngoài ra, 2 bên còn trao đổi các biện pháp nhằm mở rộng hợp tác phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi quốc gia. * Dự kiến, Singapore sẽ tổ chức Hội nghị kết nối lần thứ 10 giữa hai nước chậm nhất là vào tháng 4/2014. |
Tường Thụy