Y tế - Sức khỏe
Việt Nam sở hữu tiềm năng “vàng” để khởi nghiệp trong ngành công nghiệp thẩm mỹ
Nhung Bùi - 18/03/2023 22:33
Dù đi chậm hơn thế giới nhưng ngành công nghiệp thẩm mỹ của Việt Nam đang đứng trước nhiều tiềm năng lớn.
TIN LIÊN QUAN

Đây là thông tin được nhiều chuyên gia cùng chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia: Đại hội công nghiệp thẩm mỹ quốc gia lần thứ nhất, do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức trong ngày 18/3/2023.

TS. Định Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, kinh doanh về ngành làm đẹp, sức khỏe có những đóng góp rất lớn cho đời sống của mọi người và sự thịnh vượng của nhiều quốc gia. Đó chính là cơ hội rất lớn cho những người có tinh thần khởi nghiệp lựa chọn để phát triển sự nghiệp.

TS. Định Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.

Công nghệ làm đẹp Việt Nam, mặc dù khởi đầu chậm so với các nước nhưng đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Nếu trước đây chăm sóc sắc đẹp là dịch vụ xa xỉ chỉ dành cho phụ nữ giới thượng lưu, thì nay, khi mức sống con người thay đổi, nhu cầu làm đẹp ngành càng tăng cao.

Tại Việt Nam, nhiều cơ sở làm đẹp, viện thẩm mỹ, bệnh viên đa khoa chuyên thẩm mỹ đã ra đời. Nhiều tầng lớp thanh niên thu nhập khá trở lên, kể cả nam và nữ, đã và đang trở thành khách hàng của ngành làm đẹp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, dẫn số liệu từ một báo cáo cho thấy có tới 64,1% người được hỏi không hài lòng về nét đẹp trên khuôn mặt của mình; 15% nói có vấn đề về ngực, 7,5% muốn thay đổi sắc thái da. Các dịch vụ giảm cân cũng chiếm tỷ trọng 26% trong các dịch vụ làm đẹp hiện nay.

“Dân số trung lưu, khoảng 33 triệu người, là khách hàng mục tiêu của ngành thẩm mỹ Việt Nam. Họ có xu hướng lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao, gần gũi thiên nhiên, lành mạnh thân thiện với môi trường”, bà Tuyết Minh đánh giá.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.

Đặc biệt bà cũng nhìn nhận một xu hướng đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, đó là người Việt kiều trở về quê hương để làm đẹp. Dẫn thông tin từ Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc, bà Minh cho biết riêng trong năm 2018, bệnh viện này đón tiếp 500 Việt kiều về làm thẩm mỹ. Con số này tăng 20% mỗi năm, tập trung vào ngành làm răng sứ, mũi mặt, hút mỡ bụng, nâng ngực, gọt hàm.

Một số chuyên gia trong ngành tiết lộ nếu so về giá cả, dịch vụ làm đẹp tại Việt Nam thấp hơn 50% so với dịch vụ tương tự của các nước xung quanh.

“Ngành thẩm mỹ không chỉ thỏa mãn nhu cầu làm đẹp mà còn là cơ hội tạo ra hàng nghìn, hàng triệu việc làm cho người lao động với thu nhập hấn dẫn”, Phó chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia khẳng định.

Cũng xuất hiện tại diễn đàn, ông Jang Hyo Kwan, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm mỹ y tế Hàn Quốc cho biết quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc từ lâu đã trở nên gắn bó và kết nối. Theo nhận định của ông, Việt Nam đã xây dựng được hạ tầng kinh doanh làm đẹp thuận tiện còn Hàn quốc thì có sẵn những công nghệ tân tiến. Nếu kết hợp công nghệ của Hàn Quốc với cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, ngành công nghệ thẩm mỹ của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa.

“Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng. Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là quốc gia bạn bè gần gũi nhất. Hi vọng sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh thành công và cùng mở rộng thị trường trên thế giới. Tôi chắc chắn rằng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh tiềm năng nhất tại thị trường Đông Nam Á”, vị chuyên gia đến từ Hàn Quốc cho biết.

Nhiều chuyên gia ngành làm đẹp cho rằng, thập kỷ tới sẽ là “thập kỷ vàng” của ngành spa, cũng như ngành thẩm mỹ và đó cũng chính là cơ hội cho các hoạt động khởi nghiệp trong ngành làm đẹp phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như tạo ra những chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thẩm mỹ.

Ngoài ra, song song với những cơ hội là không ít thách thức khi nhiều cơ sở thẩm mỹ chưa có đủ hệ thống trang thiết bị, công nghệ chưa hiện đại và đặc biệt chưa có đủ đội ngũ nhân lực về lĩnh vực làm đẹp có chuyên môn, được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp dẫn đến những hậu quả không đáng có.

Tin liên quan
Tin khác