Chi tiết thứ hạng 10 chỉ số thành phần của Việt Nam trong Doing Business 2016 |
Theo cách tính mới, Việt Nam tăng 3 bậc so với lần công bố cách đây một năm.
Việt Nam cũng có tên trong 12 nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong số 189 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng, với 5 hạng mục. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia thực hiện nhiều cải cách nhất.
Đây cũng là lý do chính để thứ hạng của Việt Nam cải thiện.
Cụ thể, chỉ số về khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, từ thứ hạng 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119. Chỉ số về tiếp cận điện năng tăng 22 bậc – mức tăng cao nhất, từ thứ hạng 130 lên 108. Chỉ số về tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc, từ mức 36 lên 28. Chỉ số về nộp thuế tăng 4 bậc, từ mức 172 lên mức 168.
Nhiều chỉ số năm nay giảm so với xếp hạng công bố năm ngoái. Đó là chỉ số thương mại qua biên giới (giảm 1 bậc, từ mức 98 tụt xuống 99); Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tụt 1 bậc (từ 121 xuống mức 122). Ngoài ra, còn nhiều chỉ số khác không thay đổi, đó là chỉ số giấy phép xây dựng, bảo vệ quyền tài sản, thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, nếu nhìn về thứ hạng, nhiều chỉ số của Việt Nam vẫn đang đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Trong ASEAN, ngoài Singapore ổn định ở vị trí số 1, các nền kinh tế khác đều thăng hạng. Cụ thể, Malaysia đứng hàng 18 (79,13 điểm); Thái Lan ở vị trí 49 (71,42 điểm); Phillipines đứng 103 (60,07 điểm); Indonesia đứng 109 (58,12 điểm); Campuchia đứng vị trí 117 (55,22 điểm); Lào đứng 134 (53,77 điểm); Myanmar đang ở vị trí 167 (45,27 điểm).
Năm nay, WB áp dụng phương pháp mới so với năm trước. Tính lại theo phương pháp này thì vị trí của Việt Nam trong Doing Business 2015 là 93, thay vì 78 như phương pháp được áp dụng trong Doing Business 2015.