Nghiên cứu định lượng protein trong vắcxin tại phòng thí nghiệm của Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắcxin phòng COVID-19 trong nước là hết sức quan trọng.
Tại hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam diễn ra sáng 22/7 tại Hà Nội, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh Việt Nam đã có Hệ thống quản lý chất lượng vắcxin (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Do đó, nếu thành công vắcxin COVID-19 trong nước, có thể xuất khẩu góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, việc sản xuất vắcxin COVID-19 sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vắcxin, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long phân tích Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch COVID-19. Tuy còn nhiều điều về virus SARS-CoV-2 mà các nhà khoa học cần tiếp tục tìm hiểu nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này chính là vắcxin phòng COVID-19.
Tiến sỹ Vũ Hương, Cố vấn kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vaccine cho biết đến ngày 15/7 trên toàn cầu có 163 ứng viên vắcxin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển, 23 vắcxin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (trong đó có các vắcxin của Việt Nam). Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để sớm có được vắcxin COVID-19, mọi thủ tục quy trình đã được thảo luận rút ngắn để đảm bảo vấn đề chất lượng và thời gian.
Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắcxin. Với dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, Việt Nam hoàn toàn chủ động được việc sản xuất, cung cấp đủ cho nhu cầu của các địa phương. Tương tự với COVID-19, Việt Nam cũng đặt vấn đề sản xuất để đảm bảo an ninh vắcxin. Việt Nam cũng là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắcxin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắcxin với các nước.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các nhà sản xuất, các đơn vị nghiên cứu tiếp tục chủ động, tích cực nghiên cứu sản xuất vắcxin COVID-19, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy định về nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắcxin COVID-19 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong hệ thống NRA đẩy nhanh quá trình kiểm định, thẩm định hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành vắcxin phòng COVID-19 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất vắcxin tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất nhưng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và hiệu quả cho người sử dụng góp phần vào công tác phòng chống đại dịch tại Việt Nam và trên thế giới.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các báo cáo về tình hình nghiên cứu phát triển vắcxin COVID-19 trên thế giới, kết quả sơ bộ và kế hoạch nghiên cứu vắcxin COVID-19 của 4 nhà sản xuất trong nước (Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen). Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho thấy kết quả khả quan.
Đặc biệt các đại biểu đã tích cực trao đổi thảo luận về dự thảo quy định về nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắcxin COVID-19 tại Việt Nam nhằm hoàn thiện các quy định, hướng dẫn và thống nhất kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng và cấp phép đăng ký, sử dụng vắcxin COVID-19 tại Việt Nam trong tình trạng y tế khẩn cấp.
Hội thảo được Bộ Y tế tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức PATH và hỗ trợ tài chính của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội.
Hội thảo đã đưa ra những cơ chế, chính sách, và quy định phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng cũng như cấp phép đăng ký và sử dụng vắcxin trong thời gian sớm nhất giúp phòng chống đại dịch COVID-19 mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của vắcxin đối với người tình nguyện tham gia nghiên cứu cũng như người sử dụng vắcxin sau này./.