Tham dự cùng đoàn có ông Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; lãnh đạo một số địa phương: ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch Thường trực Phụ trách HĐND TP Đà Nẵng; ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng: ông Mai Ngọc Thuận, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công tác lần này của Bộ trưởng. Nội dung chuyến đi nhằm tìm hiểu, nghiên cứu một số kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng thệ thống đường sắt tốc độ cao, xây dựng và phát triển mô hình khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Phó trưởng ban chỉ đạo. Trong khi đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với thành phố Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh bổ sung nội dung chính sách “Thí điểm thành lập Khu thương mại Tự do thành phố Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng”.
* Chiều 29/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Uỷ ban Quản lý Khu thí điểm thương mại tự do Thượng Hải.
Cục trưởng Tiêu Kiện đã giới thiệu và trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác nhiều kinh nghiệm xây dựng Khu thí nghiệm tự do thương mại Thượng Hải. Khu vực này đã trải qua 6 phiên bản xây dựng kể từ năm 2013 đến nay. Diện tích ban đầu vốn chỉ rộng khoảng 20 km2 đến năm 2019 đã mở rộng lên đến 120 km2.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Uỷ ban Quản lý Khu thí điểm thương mại tự do Thượng Hải. |
Điểm nổi bật của Khu thí điểm là xây dựng và thử nghiệm nhiều chế độ quản lý mở, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư, tài chính, dữ liệu, khoa học công nghệ... tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều ngành nghề hạn chế đầu tư nước ngoài đến nay giảm xuống chỉ còn 27 ngành nghề, trong khi đó đã giảm 68 điều kiện kinh doanh các ngành dịch vụ đặc thù; dịch vụ tài chính được mở cửa mạnh, cho phép tổ chức tài chính phát hành các quỹ, nhiều tổ chức bảo hiểm và chứng khoán thuận tiện hoạt động... Nhiều lĩnh vực về viễn thông, quản lý tàu biển, quản lý tài chính trước đây không cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia, nay đã cho phép.
Khu thí điểm cũng có mô hình quản lý, giám sát thuận lợi cho thương mại quốc tế, cho phép hàng hoá nhập khẩu trước, thông quan sau; hình thành các cơ chế một cửa hình thành 66 loại hình phục vụ thương mại quốc tế, phục vụ cho 600.000 doanh nghiệp; đẩy nhanh tốc độ thông quan tại Thượng Hải chỉ trong 6 tiếng...
Tại đây cũng mở ra một hệ sinh thái tài chính mở để phục vụ nhu cầu của nền kinh tế. Ví dụ cho phép thiết lập tài khoản thương mại tự do, tài khoản cả đồng nhân dân tệ và ngoại tệ. Thành lập trung tâm giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải; thiết lập hệ thống tạo thuận lợi hoá cho các ngành nghề mới nổi như: Công nghiệp bán dẫn, y dược sinh học... Sở giao dịch dữ liệu Thượng Hải cũng được hình thành...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi, cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng khu thương mại tự do, đặc biệt là việc tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các vấn đề liên quan đến thử nghiệm thể chế, mô hình hoạt động...
Sau đó, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đến thăm triển lãm thành quả 10 năm xây dựng khu thương mại tự do Thượng Hải.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác thăm triển lãm thành quả 10 năm xây dựng khu thương mại tự do Thượng Hải. |
* Chiều 29/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã làm việc với Cục Quản lý Giám sát tài chính Thượng Hải.
Tại cuộc làm việc, ông Triệu Vĩnh Kiện, Phó bí thư Ủy ban công tác Tài chính Thành uỷ Thượng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài chính Giám sát Thượng Hải đã cung cấp một số thông tin về quá trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thượng Hải. Việc xây dựng Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế được Đảng và Nhà nước Trung Quốc đặc biệt quan tâm.
Năm 2020, tổng lượng giao dịch qua Trung tâm Tài chính Thượng Hải đã đạt 2 triệu tỷ nhân dân tệ (hơn 285.000 tỷ USD). Hiện tại, Trung tâm Tài chính Thượng Hải đang bước vào giai đoạn nâng cao chất lượng. Năm 2023, ngành tài chính của Thượng Hải đạt được mức tăng 860 tỷ nhân dân tệ (5,2% so với năm 2022), chiếm 18,3% GDP của toàn Thành phố Thượng Hải.
Hiện đang có 1.771 tổ chức tài chính trong và ngoài nước đang hoạt động tại Thượng Hải. Trong đó, các tổ chức tài chính nước ngoài chiếm 30%. Tổng tài sản mà các tổ chức tài chính Thượng Hải quản lý đang chiếm 1/3 toàn Trung Quốc. Có khoảng 200 tổ chức quản lý tài sản có trụ sở tại Thượng Hải. Hiệu quả về cải cách tài chính của Khu thương mại tự do Thượng Hải đạt kết quả rõ, thành lập ra các tài khoản thương mại tự do, tạo thuận lợi cho thanh toán đồng nhân dân tệ quốc tế...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi, cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, mô hình mà Việt Nam có thể lựa chọn để phù hợp với điều kiện, những điều kiện cần thiết để thành lập, các chính sách ưu đãi đầu tư, cách thể chế hoạt động...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác làm việc với Cục Quản lý Giám sát tài chính Thượng Hải. |
* Chiều 29/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã tham dự toạ đàm về phát triển trung tâm tài chính quốc tế với lãnh đạo một số doanh nghiệp tài chính lớn tại Thượng Hải.
Tham dự toạ đàm có ông Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Hong Kong - Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah; lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Nhà nước Trung Quốc, lãnh đạo Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), lãnh đạo Ngân hàng Công Thương (ICBC) tại Thượng Hải, lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Tân Hoàng Phố Thượng Hải, lãnh đạo Công ty TNHH Tài chính Goutai Junan, lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư Đổi mới Thâm Quyến...
Lãnh đạo các công ty đã trao đổi nhiều kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trong đó có những công ty đã nghiên cứu về thị trường Việt Nam. Nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi, cùng trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, mô hình mà Việt Nam có thể lựa chọn để phù hợp với điều kiện, những điều kiện cần thiết để thành lập, các chính sách ưu đãi đầu tư, cách thể chế hoạt động...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi tại toạ đàm về phát triển trung tâm tài chính quốc tế. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác tham dự toạ đàm về phát triển trung tâm tài chính quốc tế. |
* Sáng 30/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thăm trung tâm Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu (Global R&D Center) và Trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học sức khoẻ quốc tế (Jing’an CciC & iCampus), của Tập đoàn AstraZeneca tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tham quan các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu của Astrazeneca Trung Quốc, đồng thời trao đổi kinh nghiệm với lãnh đạo AstraZeneca về việc thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo và công nghệ; nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và thu hút nguồn lực về xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo; xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao trong y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, với sự hỗ trợ từ AstraZeneca và các đối tác, Việt Nam sẽ có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, kết nối năng lực của các doanh nghiệp và tổ chức trong xã hội để cùng đem lại cuộc sống chất lượng và bền vững hơn cho người dân.
“Quy mô hiện đại của trung tâm R&D toàn cầu và các cơ sở khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của AstraZeneca tại đây là một hình mẫu điển hình của việc hợp tác đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp và nhà nước mà chúng ta có thể học hỏi, tham khảo cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội Việt Nam thịnh vượng và bắt kịp các quốc gia trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng chia sẻ.
* Chiều 30/3, Đoàn công tác đã đến thăm Triển lãm Quy hoạch Thành phố Thượng Hải.
Trung tâm là nơi trưng bày quy hoạch đô thị Thượng Hải trong quá khứ, hiện tại và tương lai bằng nhiều cách trưng bày truyền thống và hiện đại. Triển lãm cũng thể hiện định hướng quy hoạch của đô thị Thượng Hải, nhưng vẫn có những sự phong phú về lịch sử, văn hóa, lấy con người làm trung tâm, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường... Đây là một mô hình để Việt Nam có thể tham khảo, nghiên cứu trong việc xây dựng và phát triển đô thị.