Các khách mời trao đổi bên lề Diễn đàn bất động sản công nghiệp với chủ đề “Đón sóng đầu tư mới” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty BW Industrial tổ chức sáng 28/10 (Ảnh: Lê Toàn). |
Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, các yếu tố địa chính trị trên thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Báo cáo đầu tư toàn cầu 2020 của Liên hợp quốc công bố giữa năm nay đã đưa ra dự báo, đại dịch Covid-19 có thể làm dòng vốn này giảm tới 40% trong năm 2020 từ mức 1.540 tỷ USD ghi nhận được vào năm 2019 và có thể giảm tiếp 5 -10% vào năm 2021.
Đại dịch đã gây ra cú sốc chưa từng có đối với tất cả các mặt cung, cầu và chính sách về đầu tư nước ngoài, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án.
Bởi, các biện pháp đóng cửa và giãn cách xã hội, khiến các nhà đầu tư buộc phải tính toán lại kế hoạch, đồng thời, buộc nhiều Chính phủ phải thực hiện những giải pháp ứng phó với khủng hoảng trong đó có hạn chế đầu tư.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, triển vọng phục hồi dòng vốn đầu tư toàn cầu hầu như trông chờ vào diễn tiến của dịch bệnh cũng như tính hiệu quả của các chính sách được thực thi bởi các Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đến nền kinh tế.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế châu Á, Hoa Kỳ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này”, ông Võ Thành Thống chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp với chủ đề “Đón sóng đầu tư mới” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty BW Industrial tổ chức sáng 28/10.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những hành động rất hiệu quả của cả Chính phủ và người dân trong việc vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp (Ảnh: Lê Toàn). |
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành khắp toàn cầu làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và kiềm chế tốt sự lây lan của vi-rút Corona trong cộng đồng.
Khi mà đầu tư tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt vào các dự án hạ tầng lớn và sử dụng các gói cứu trợ phù hợp để kích thích nền kinh tế phục hồi nhanh, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Chính phủ cùng đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Một đặc trưng hấp dẫn nữa của môi trường đầu tư tại Việt Nam là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó Việt Nam luôn được đánh giá cao ở nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực – gần đây nhất là Hiệp định với EU (EVFTA) – cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam.
Nhờ sự đóng góp từ các Hiệp định này, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh dù giao thương quốc tế vẫn còn bị ngắt quãng; dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, trái ngược với thực trạng của nhiều nền kinh tế đang phát triển mà theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc là phải chịu tác động nặng nề của đại dịch bởi sự gắn chặt tăng trưởng với xuất khẩu và quá chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa.
Nhận thức thực tế đó, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng.
Nhưng, có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng 4.0.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả các “chú chim đại bàng” lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Hiện, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 hecta với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistic… đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động.
Tại các khu công nghiệp này, các doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Động thái này cũng phù hợp với yêu cầu khắt khe của các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong việc lựa chọn cứ điểm sản xuất mới.
Trong quá trình phát triển sắp tới, để hoàn thiện các định hướng chiến lược liên quan đến quy hoạch và phát triển mô hình khu công nghiệp mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất muốn được lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng quy hoạch khu công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện tại một số địa phương.
Cùng với đó là mục tiêu phát triển đồng bộ đô thị, nhà ở, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cho người lao động trong khu công nghiệp; phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành nhất định,...