LTS: Từ Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) dành cho Báo điện tử Đầu tư bài phân tích về những điểm nhấn quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, cũng như những điều kiện cần cho chiến lược Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế, những bước đi đầu tiên là gì... Báo điện tử Đầu tư trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả.
PGS.TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore |
1. Việt Nam trong động thái chống dịch Covid-19 toàn cầu
Thế giới đã trải qua đại dịch Covid-19 hơn 20 tháng và đã gây ra những tổn thất to lớn cả về kinh tế và sinh mạng trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, cho dù tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, nhiều nước đang có những nhận thức mới trong chiến lược chống dịch với chủ trương coi Covid là bệnh đặc hữu không thể loại bỏ. Nhìn lại động thái chống dịch toàn cầu trong hơn 20 tháng qua, với số liệu ở Bảng 1, ta có thể đưa ra một số quan sát sau đây.
Thứ nhất, đại dịch đã hoành hành hầu khắp các nước, không phân biệt vùng địa lý hay mức độ phát triển. Tính đến 16/09/2021, trong số các nước trong bảng khảo sát, tỷ lệ ca nhiễm (trên một triệu dân) nằm trong khoảng từ 5.300 ở Hàn Quốc tới 131.700 ở Isarael; trong khi tỷ lệ ca tử vong từ mức 10 ở Singapore đến 3.000 ở Hungary.
Thứ hai, mặc dù tỷ lệ nhiễm mới hầu hết đã nằm dưới mức đỉnh (trừ Philippines và Israel), số ca nhiễm hoặc tử vong trong bảy ngày qua so với tuần trước đó vẫn tăng ở nhiều nước, kể cả ở các nước có độ phủ tiêm chủng cao (trên 70%) như Israel, Đức, và Canada. Trường hợp của Israel cho thấy, tiêm chủng rộng khắp có tác dụng trong giảm tử vong nhưng không phải là phương cách thần hiệu giúp loại bỏ khả năng lây nhiễm.
Thứ ba, đó là kết quả đáng suy nghĩ từ phương cách chống dịch của Thụy Điển. Khác với hầu hết các nước, Thụy điển không có phong tỏa cứng mà chỉ khuyến cáo người dân có ý thức cao trong phòng chống dịch. Quan điểm của Chính phủ Thụy điển là chống dịch bền vững phải dựa vào người dân cả về ý thức và khả năng thích nghi. Họ cho rằng, sợ hãi và cấm đoán ngặt nghèo không đem lại lời giải vững bền.
Cách tiếp cận này của Thụy Điển không đem lại kết quả lý tưởng cho hiện tại nhưng dường như bền vững hơn cho tương lai. Về tỷ lệ lây nhiễm, Thụy Điển khá cao (trên 110.000 người trên 1 triệu dân; nghĩa là 11%), cao hơn nhiều nước có phong tỏa cứng ngặt nghèo như Italy (7,6%), Pháp (10,3%). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trên một triệu người của Thụy Điển (1.400 người) thấp hơn hẳn các nước vừa đối chiếu, như Italy: 2.100; Pháp: 1.700. Hơn thế nữa, cách chống dịch của Thụy Điển dường như đã có sức thuyết phục khi ngày càng có nhiều nước xác định không thể loại bỏ đại dịch Covid-19 và phải sống chung với nó.
Thứ tư, mặc dù sự xuất hiện của biến thể delta đã gây ra những tổn thất lớn cho Việt Nam cả về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong trên 1 triệu dân, nhưng các tỷ lệ này còn ở mức thấp so với các nước châu Á và thấp xa so với các nước ở châu Âu và châu Mỹ. Thêm nữa, mức độ lây nhiễm và tử vong đang có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, với sự biến hóa khó lường của virus Covid-19, Việt Nam cũng như các nước cần sẵn sàng cho những khả năng phức tạp mới. Trong cuộc chiến với đại dịch, thắng một trận đầu, dù oanh liệt đến đâu, không thể coi là chiến thắng hoàn toàn.
Quốc gia | Tổng số trên 1 triệu dân | Diễn biến 7-ngày qua | ||||
Số ca nhiễm (trên 100 nghìn dân) | Tăng (+)/giảm (-) so với tuần trước | % số ca nhiễm so với mức đỉnh | ||||
Số ca nhiễm | Số ca tử vong | Số ca nhiễm | Số ca tử vong | |||
Châu Á | ||||||
Malaysia | 63,400 | 689 | 393 | -7.1% | +28.1% | 82% |
Indonesia | 15,400 | 516 | 11 | -34.8% | -53.7% | 9% |
Philippines | 21,100 | 331 | 137 | +14.6% | -6.0% | 100% |
India | 24,300 | 325 | 16 | -23.0% | -12.8% | 8% |
Thái lan | 20,300 | 212 | 140 | -9.9% | -24.9% | 64% |
Việt Nam | 6,600 | 168 | 84 | -9.1% | -9.5% | 85% |
Nhật bản | 13,100 | 135 | 41 | -41.5% | +5.3% | 32% |
Cambodia | 6,100 | 125 | 27 | +31.6% | +12.9% | 66% |
Hàn Quốc | 5,300 | 46 | 24 | +4.9% | +100.0% | 96% |
Singapore | 12,800 | 10 | 68 | >+60% | 55% | |
Châu Âu và Châu Mỹ | ||||||
Hungary | 83,500 | 3,000 | 22 | 40.8% | 103.8% | 3% |
Brazil | 99,500 | 2,700 | 50 | -22.3% | -3.5% | 20% |
Nga | 49,800 | 2,600 | 89 | +0.4% | -1.9% | 64% |
Italy | 76,500 | 2,100 | 99 | -16.2% | -5.9% | 13% |
Mexico | 27,600 | 2,100 | 62 | -17.8% | -14.2% | 61% |
Mỹ | 126,600 | 2,000 | 66 | -0.1% | +28.7% | 62% |
Anh | 109,400 | 2,000 | 326 | -19.1% | +4.4% | 51% |
Ba lan | 76,200 | 1,900 | 9 | +41.1% | +14.1% | 2% |
Pháp | 103,200 | 1,700 | 89 | -28.5% | -13.6% | 16% |
Thụy điển | 110,900 | 1,400 | 77 | +12.6% | -17.6% | 16% |
Switzerland | 95,400 | 1,200 | 194 | -13.1% | -5.2% | 29% |
Đức | 49,300 | 1,100 | 84 | -5.7% | +47.8% | 39% |
Israel | 131,700 | 821 | 833 | +47.2% | +41.1% | 100% |
Canada | 41,300 | 725 | 78 | +11.3% | +45.1% | 48% |
Denmark | 60,700 | 450 | 52 | -22.2% | +23.8% | 12% |
Nguồn số liệu: https://graphics.reuters.com/world-coronavirus-tracker-and-map
Số liệu cập nhật đến ngày 16/09/2021
2. Những điều kiện cần cho chiến lược mở cửa lại nền kinh tế
Sự tàn phá của đợt dịch Covid-19 vừa qua là khá nặng đối với Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Việt Nam thể hiện đã mạnh hơn chứ không yếu đi sau cơn bão này, đặc biệt là về tâm thế và kinh nghiệm chống dịch.
Với con mắt của nhiều nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn vì khả năng trụ vững, kiên cường, và tình người trong khủng hoảng. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều nhà đầu tư thấy Việt Nam càng đáng tin cậy khi đất nước này cũng trải qua những tổn thương như nhiều nước.
Ngày 12/9/2021, sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đón hai chuyến bay đưa 345 công dân từ Mỹ về Việt Nam, theo chương trình thí điểm “Hộ chiếu vắc xin” của Bộ Y tế |
Với kinh nghiệm đã trải qua và kiến thức từ động thái chống dịch toàn cầu, bên cạnh việc tiêm chủng ở nhịp độ cao nhất có thể, Việt Nam cần chủ động mở cửa lại nền kinh tế và sẵn sàng cho tương lai. Quá trình mở cửa này cần ba điều kiện cơ bản sau:
Thứ nhất, lãnh đạo và người dân thống nhất cao về nhận thức chiến lược và tâm thế trong quyết định quan trọng này. Nhận thức này cần thấy rõ là dịch Covid-19 sẽ không biến đi mà sẽ tồn tại dai dẳng và có thể gây nên những biến thể mới mà hôm nay chúng ta chưa hình dung được. Do vậy, chống dịch Covid không chỉ còn là mục tiêu kép là sinh mạng và sinh kế hiện tại, mà còn là sự sinh tồn của một dân tộc để thích ứng với tương lai.
Thứ hai, cả nước và mỗi địa phương đều có phương án với đồng thuận cao về chống dịch. Trong đó, có một số nội dung cần lưu ý là: các bệnh viện và cá nhân đều có cẩm nang về các giải pháp nhất quán về điều trị F0 và quản lý F1. Một số kinh nghiệm tốt, bao gồm điều trị F0 nhẹ và quản lý F1 tại nhà nên được áp dụng rộng khắp. Lực lượng vận tải hậu cần và sản xuất nên hoạt động ở mức it nhất 50 - 70% công suất trong mọi tình huống. Toàn dân nâng cao ý thức tham gia phòng chống dịch, trong đó, trước hết là tuân thủ quy định 5K và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bản thân và gia đình. Làm sao để mọi người cùng cảm nhận được sự đồng lòng như trong một nỗ lực vượt biển lớn.
Thứ ba, chuẩn bị tốt để có thể xử lý kịp thời và hiệu quả cho cả ba phương án trong quá trình mở lại nền kinh tế: tiến triển thuận lợi, biến động trong mức độ dự báo, và biến động bất thường. Chúng ta nên sẵn sàng với biến động bất thường ở một vài địa phương. Số ca nhiễm có thể tăng cao trong 1 - 3 tháng như đã thấy ở TP. Hồ Chí Minh trước khi giảm hẳn.
3. Xác định các bước đi khởi đầu
Cả nước và từng địa phương nên có phân loại rõ mỗi hoạt động kinh tế - xã hội theo hai tiêu chí chính. Tiêu chí thứ nhất là sự thiết yếu cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Tiêu chí thứ hai là mức độ rủi ro lây nhiễm. Tiêu chí này phục thuộc vào mức độ tiếp xúc và tỷ lệ phủ vaccine.
Ta có thể dùng tiêu chí đánh giá từ 1 (thấp) đến 5 (cao) của chuyên gia để xếp hạng mỗi hoạt động theo từng tiêu chí. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể cho phép các hoạt động có mức độ thiết yếu cao (độ 4-5) và mức độ rủi ro thấp (1-3) được tiến hành trong hầu hết các tình huống, kể cả khi mức độ lây nhiễm cao.
Trong chiến lược sống chung với dịch trong thời gian tới, các địa phương nên quán triệt ba phương châm: Quả cảm nhưng cẩn trọng; nhất quán nhưng linh hoạt; và khai thác sức mạnh tổng lực của xã hội, đặc biệt là lòng dân và dịch vụ xã hội hóa để vượt qua đại dịch.
Ở giai đoạn mới này, xã hội hóa và dịch vụ y tế nên được chấp thuận. Nhà nước cần dành sức tập trung giúp người nghèo và các đối tượng dễ tổn thương; đồng thời gia cường hệ thống y tế phòng chống dịch để sẵn sàng cho các thách thức phía trước.