Cần chiều sâu
Ứng dụng ELSA dạy phát âm tiếng Anh vượt qua 1.200 đối thủ để dành giải nhất tại SXSWedu, cuộc thi khởi nghiệp về công nghệ giáo dục được tổ chức tại Mỹ; GotIt!, mô hình chia sẻ kiến thức, nhận được 9 triệu USD từ Quỹ Capricorn Investment Group. Hay cái tên DesignBold, sau 2 tuần ra mắt đã thu về gần 3 tỷ đồng…
Nếu chỉ nhìn những cái tên trên mà nói rằng, Việt Nam là thiên đường cho khởi nghiệp thì cũng không hẳn. Bởi chắc chắn, bao cái tên thất bại mà chẳng ai biết đến. Start-up Việt Nam mới phát triển chủ yếu theo chiều rộng mà thiếu đi chiều sâu. Những start-up thực sự tạo ra doanh thu thực, khách hàng thực như kể trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ vậy, nhiều dự án do người Việt sáng lập, hoạt động tại Việt Nam, nhưng “giấy khai sinh” lại ở ngoại quốc.
Hùng Đinh, sáng lập DesignBold (người ngồi) cho rằng, năm 2017 số lượng start-up Việt Nam sẽ tăng cả về chất và lượng. |
Ra đời từ năm 2013 tại Thung lũng Silicon, GotIt! do Trần Việt Hùng sáng lập đã nổi như cồn sau khi gọi vốn được hơn 10 triệu USD từ Quỹ Capricorn Investment Group. Một quỹ mà Hùng ví von là chỉ đầu tư vào những ý tưởng được cho là điên rồ như Tesla Motors, Planet Labs…
Trước đó, Hùng sáng lập Tutor Universe, thu hút 8.000 gia sư đến từ hơn 50 quốc gia đăng ký giảng dạy hơn 4.500 môn học. Nhưng nếu phát triển tiếp thì Tutor Universe chỉ là một công ty khá, khó có thể thành công ty lớn được, bởi vậy, anh bắt tay làm GotIt!.
GotIt! là một nền tảng cung cấp khoảng 2,5 triệu bài giảng nhỏ (10 phút kết nối giữa chuyên gia và sinh viên sau khi sinh viên gửi câu hỏi lên GotIt!) thu hút hơn 100.000 chuyên gia đã đăng ký trên hệ thống và vươn lên vị trí thứ hai trên kho ứng dụng App Store của Mỹ. Hiện ứng dụng đang có mặt tại Bắc Mỹ và châu Âu.
Ra đời tại “thiên đường khởi nghiệp”, nên hiển nhiên GotIt! là công ty Mỹ và không vướng phải khó khăn như nhiều công ty khác ở Việt Nam.
Mọi người thường ví von, nếu con người là thiên thần thì chẳng cần thiết có chính phủ, nhưng sự thật không phải vậy. Ai cũng cần những người giỏi làm cùng, nhưng kiên quyết phải có một hệ thống đúng giúp mọi người phát triển với nhau lâu dài.
“GotIt! là công ty Mỹ nên không để ý nhiều đến cơ chế, chính sách ở Việt Nam, nhưng thú thật, ở bất kỳ đâu, để các công ty start-up có thể phát triển được thì quan trọng nhất là hành lang pháp lý phải rõ ràng, chặt chẽ, để tiết kiệm thời gian, để họ biết là có vi phạm luật, ngành cấm hay không”, Trần Việt Hùng chia sẻ.
Hay với DesignBold, công cụ thiết kế được so sánh là FlappyBird thứ hai của Việt Nam, khi thu về hơn 600 triệu đồng sau 3 ngày thử nghiệm. Đây là công cụ thiết kế gây “bão” cộng đồng thiết kế Việt Nam và thế giới, giúp người dùng có thể tự thiết kế các loại ấn phẩm với thao tác cực kỳ đơn giản. Sản phẩm này còn hỗ trợ khách hàng có thể in ngay tùy thuộc vào từng thiết kế.
Đinh Viết Hùng (Hùng Đinh), người sáng lập công cụ này cho biết, DesignBold có thể rút ngắn thời gian hoàn thành một bản thiết kế trung bình khoảng 6 lần so với công cụ bình thường hoặc nhờ đến thiết kế viên. Hùng Đinh chia sẻ, năm nay, DesignBold có thể đạt được mốc doanh thu 50.000 USD/ngày. Tuy nhiên, tất cả đều được thực hiện ở nước Mỹ xa xôi.
“Cơ chế và chính sách hiện giờ của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam còn quá lạc hậu, không thiết thực và bắt kịp xu hướng với phong cách phát triển của những người trẻ muốn khởi nghiệp, cũng như chưa hình thành một nguồn lực chính thống hỗ trợ đầu tư và thúc đẩy sự phát triển cho những người mới. Do đó, cần giao lại trách nhiệm hình thành và quản lý cơ chế, chính sách cho chính những cá nhân đã làm khởi nghiệp thì họ mới hiểu được tính chất đặc thù của ngành. Điều căn bản nhất của khởi nghiệp là phải kịp thời để đi đầu xu hướng, để bắt nhịp với nhu cầu của người dùng. Những chính sách, cơ chế cần thời gian hình thành và đưa vào áp dụng mà tính bằng năm thì đã là thất bại vì không theo kịp người làm khởi nghiệp”, Hùng Đinh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Hùng Đinh còn cho rằng, tính linh hoạt của các chính sách, cơ chế cần được xem trọng. Những giấy tờ thủ tục rườm rà là điều khiến các nhà khởi nghiệp luôn phải đau đầu khi tiến hành vào đầu tư cho một sản phẩm. Một cơ chế thủ tục, hồ sơ đơn giản, nhanh gọn sẽ giúp ích rất nhiều cho những người khởi nghiệp, tạo ra thời gian và không gian để họ dồn hết tâm sức cho sản phẩm/dịch vụ khởi nghiệp mà mình đang ấp ủ.
Vực dậy khi thất bại
Khởi nghiệp thường gắn với cụm từ “không nhiều tiền”, vậy nếu công ty không kêu gọi được vốn thì sao, hết tiền liệu công ty sẽ chết? Theo CEO GotIt!, công ty đó chỉ chết khi người sáng lập bỏ cuộc. Người sáng lập (founder) phải là người có bản lĩnh sống sót trong mọi hoàn cảnh, tự xoay sở, tự tìm đồng nghiệp… vì thật ra, nếu không có tiền đầu tư vẫn có thể kiếm tiền bằng nhiều cách khác như từ khách hàng - tức bán được sản phẩm. Thậm chí, có khi trong lúc không có tiền, công ty lại có thể tìm ra được nhiều ý tưởng sáng tạo để tồn tại.
Ngay cả những founder ở Israel cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro thất bại, nhưng văn hóa và truyền thống của họ phản ánh một thái độ độc đáo trước thất bại. Đó là liên tục cố gắng vực dậy những doanh nghiệp thất bại để từ kinh nghiệm đó học lại từ đầu, còn hơn để mặc chúng chết yểu và vĩnh viễn rơi vào quên lãng.
“Ở Thung lũng Silicon, 90% công ty start-up thường bị thất bại trong năm đầu tiên. Đó là chưa kể, ở Việt Nam còn bị chênh lệch với Thung lũng Silicon rất nhiều thứ, từ văn hóa chia sẻ kiến thức, văn hóa trao đổi, tiền vốn, con người… Có thể đây sẽ là yếu tố khiến tỷ lệ không thành công có thể còn cao hơn cả ở Thung lũng Silicon”, CEO GotIt! nói.
Qua không ít lần gặp gỡ, trao đổi cũng như tư vấn cho một số bạn trẻ làm start-up ở Việt Nam, CEO GotIt! cho biết, anh nhận thấy nhiều người vẫn chưa hiểu start-up là gì và ảo tưởng đây là cách nhanh nhất để kiếm được nhiều tiền với sự hào nhoáng… Đây là một ngộ nhận tai hại, bởi khởi nghiệp rất khắc nghiệt, khó khăn và rủi ro.
Yếu tố nữa được nhắc đến là nhiều bạn trẻ muốn start-up, đã nghĩ ra một ý tưởng và cứ cầm đến hội thảo, đến cuộc thi. Sau đó, họ hy vọng đó là ý tưởng triệu đô, có thể tìm được nhà đầu tư. Suy nghĩ này sẽ không bao giờ xảy ra, bởi theo Trần Việt Hùng, ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất, sẽ không có tí giá trị nào nếu không biến nó thành sản phẩm và cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu có sản phẩm, mà không xác định được đối tượng khách hàng là ai.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Trần Việt Hùng cho rằng, xu hướng khởi nghiệp mạnh mẽ vẫn tiếp diễn vào năm 2017. Ở Việt Nam, chưa rõ khởi nghiệp ở lĩnh vực nào sẽ “lên ngôi”, nhưng ở Thung lũng Silicon, start-up công nghệ sẽ phát triển theo nhiều lĩnh vực và áp dụng vào trí tuệ nhân tạo. Không nằm ngoài xu hướng này, năm 2017, GotIt! đặt mục tiêu sẽ thành một ứng dụng hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục tại Bắc Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, công ty sẽ ra mắt một vài ứng dụng ngoài lĩnh vực giáo dục.
Còn với DesignBold, dự định trong năm 2017 tới, Hùng Đinh sẽ đưa vào mô hình kết nối những người làm thiết kế với khách hàng trên toàn thế giới, giúp họ có được sản phẩm thiết kế trong thời gian ngắn, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư cũng có thể mang hình ảnh của họ lên bán. “Mục tiêu trong thời gian tới của chúng tôi là phát triển lên 1 triệu mẫu thiết kế khi có khoảng 500.000 user và 1.000 - 2.000 nhà thiết kế trên hệ thống”, Hùng Đinh nói.
DesignBold còn tung ra một “chiêu” nữa là liên kết với các nhà in địa phương để cung cấp cho người sử dụng một vòng khép kín: thiết kế trên DesignBold được gửi thẳng đến nhà in thuận tiện nhất, với giá tốt nhất và sản phẩm in ấn sẽ được đem tới tận nơi khách hàng yêu cầu. Qua đó, khách hàng chỉ cần vài click chuột là đã có thể hoàn thành cả một quá trình, từ thiết kế tới việc ra nhà in vốn mất nhiều thời gian theo cách cũ.
“Tôi nói với mọi người là tôi không biết code, cũng như không biết design dù là sáng lập của DesignBold. Tôi cho rằng, CEO của start-up không nhất thiết phải biết lập trình, nhưng cần có một tư duy của một "hacker" để có thể "đánh bại hệ thống". Trong suốt hơn 10 năm qua, tôi dành hàng ngàn giờ đọc rất nhiều các bài viết trên Quora, Stackoverflow, HackerNews để trau dồi cho mình thói quen suy nghĩ, đặt vấn đề theo tư duy của một hacker nhiều hơn là một doanh nhân. Tôi tin DesignBold sẽ đạt doanh thu 50.000 USD/ngày vào cuối năm 2017”, Hùng Đinh nói.