Việt Nam và Nga có nhiều dự án ưu tiên chung
Hoàng Nam - 10/04/2015 07:56
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trong dịp tháp tùng Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam, ông Denis Manturov, Bộ trưởng Bộ Công thương Nga cho biết, Việt Nam và Nga có nhiều dự án ưu tiên chung trong các lĩnh vực như chế tạo ô tô, công nghiệp nhẹ, khai khoáng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
BIDV hợp tác với ngân hàng VTB của Nga
Thủ tướng Medvedev kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam
Tạo xung lực mới trong quan hệ Việt - Nga
Thủ tướng Nga Medvedev thăm chính thức Việt Nam
Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga

Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga 10 tỷ USD vào năm 2020, nhất là khi Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan thời gian tới?

Ông Denis Manturov, Bộ trưởng Bộ Công thương Nga

Kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam mới đạt 3,7 tỷ USD là quá thấp. Chính phủ hai nước đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch lên 10 tỷ USD vào năm 2020, nhưng con số này chưa phải là giới hạn cuối cùng, vì tiềm năng của hai quốc gia còn rất lớn và sẽ tăng thêm nữa.

Khi Việt Nam ký hiệp định tham gia Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra. Đầu tư vào Việt Nam cũng như các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ thuận lợi hơn; thương mại song phương, đa phương trong nhóm này cũng sẽ gia tăng, do đó, những mục tiêu đề ra ban đầu là hoàn toàn khả thi và chắc chắn đạt được.

Sau khi FTA trên được ký kết, ngành nghề nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, thưa Bộ trưởng?

Trước hết là những ngành công nghiệp quy mô lớn, bởi quy mô lớn ở thị trường lớn sẽ có khối lượng sản xuất lớn, lượng đầu tư lớn hơn, nên doanh thu cũng lớn hơn.

Điều quan tâm giữa hai nước là làm sao tổ chức sản xuất trực tiếp tại Việt Nam và sản phẩm không chỉ được biết đến ở Việt Nam, mà phải trở thành thương hiệu chung có thể xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á và thậm chí là khu vực rộng hơn nữa.

Còn đối với những ngành nghề truyền thống của Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang nước khác như nông nghiệp (rau, củ), thì khi FTA này hình thành, Việt Nam sẽ có lợi hơn vì thị trường sẽ được mở rộng. Theo đó, Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Nga, mà còn xuất khẩu sang các nước khác trong Liên minh Kinh tế Á – Âu như Kyrgyzstan, Belarus, Kazakhstan...

Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước?

Việt Nam và Nga có nhiều dự án ưu tiên chung trong các lĩnh vực.

Trong lĩnh vực chế tạo ô tô, chúng tôi đã đối thoại với một số công ty sản xuất, chế tạo và lắp ráp ô tô của Nga là đối tác của Việt Nam. Xe UAZ hay Kamaz của Nga là những thương hiệu mà Việt Nam đã biết rất rõ. Vấn đề không chỉ là cung ứng những mẫu ô tô này sang Việt Nam, mà phải tổ chức lắp ráp, bảo hành, bảo dưỡng ở Việt Nam.

Ngoài ra, hiện nay, một số công ty ô tô nước ngoài phát triển ở Nga đã dần thành thương hiệu ở Nga (sáng tạo một số mẫu chỉ sản xuất ở Nga), như Renault (Nga) hay Nissan (Nga), nên có thể đưa vào diện hợp tác liên kết với Việt Nam để phát triển mặt hàng này tại Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm về sản xuất công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày, trong khi lĩnh vực này trước đây ở nước Nga còn rất non kém. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam có thể đầu tư vào Nga các dự án sản xuất dệt may, giày…

Việt Nam và Nga đã đưa ra 17 danh mục dự án đầu tư ưu tiên, vậy khả năng đẩy nhanh tiến độ các dự án này để tạo ra xung lực mới trong thời gian tới sẽ thế nào, thưa ông?

Sau khi đã rà soát danh sách 17 dự án ưu tiên chung, hai Bộ Công thương nhận thấy, có 2 dự án liên quan đến mặt hàng titan đã sẵn sàng triển khai. Việt Nam có những khu vực giàu titan lẫn trong cát. Phía doanh nghiệp Nga cũng sẵn sàng bỏ vốn đầu tư. Một công ty rất kinh nghiệm của Nga về làm giàu mỏ, làm giàu quặng cũng đã bắt tay triển khai tại Việt Nam. Chúng tôi đang chờ những quyết định, cơ chế từ phía Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư Nga tiếp cận những vấn đề này được thuận lợi (khoáng sản, mỏ).

Tôi cũng xin nói thêm về chế tạo máy bay - một lĩnh vực mà Nga có rất nhiều kinh nghiệm. Trong chuyến thăm này, chúng tôi chủ ý bay sang đây bằng máy bay Sukhoi Super Jet 100 phiên bản business để giới thiệu, bàn bạc với các đối tác Việt Nam nhằm quảng bá loại máy bay này. Đây là loại máy bay chở khách phục vụ trên các chặng bay thường xuyên đông khách. Tại ASEAN, Thái Lan đã mua 3 chiếc hạng thương gia, Indonesia mua 2 chiếc chở khách và Lào mua 1 chiếc chở khách.

Tin liên quan
Tin khác