GS-TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). |
Bộ Y tế nhận định thế nào về dịch Covid-19 hiện nay? Liệu chúng ta có phải đối diện với một làn sóng dịch mới?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Dịch bệnh đang được kiểm soát, các trường hợp bệnh nặng giảm và đã qua hơn 100 ngày không ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu (số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vắc-xin, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc), tất cả các yếu tố đều là màu xanh và không vượt qua cấp độ 1. Thời gian tới, tuy số ca mắc có thể có sự gia tăng, nhưng số nặng, nhập viện chưa có sự đột biến. Do đó, có thể khẳng định, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch.
Việt Nam đang tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng, chống Covid-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, vẫn đảm bảo việc huy động các nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch và đảm bảo thống nhất đáp ứng với các quốc gia trên thế giới.
Thời gian tới, trong phòng chống dịch, ngành y tế tập trung vào ưu tiên nào?
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống Covid-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Đồng thời, yêu cầu các địa phương công bố thông tin chính xác, minh bạch để hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng chống dịch.
Các địa phương cũng chủ động đánh giá cấp độ dịch, giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Theo đó, khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh, thì nhanh chóng xử lý, khoanh vùng, không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, các đơn vị sẵn sàng khâu cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao. Các tỉnh, thành phố thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra, rà soát vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là nhóm nguy cơ cao.
Những hoạt động đầu tư cụ thể để ngăn dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng là gì?
Trước hết, chúng ta phải xác định virus SARS-CoV-2 tiếp tục tồn tại. Do đó, để không ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và cuộc sống, phải tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao là người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, kể cả lực lượng y tế tuyến đầu.
Mục tiêu trong giai đoạn tới là giảm tử vong, không gây quá tải cho hệ thống y tế. Biện pháp phòng chống tốt nhất là tiêm vắc-xin Covid-19 đúng và đủ liều. Đồng thời, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch để không gây xáo trộn xã hội và tăng quá tải. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 có đáng ngại và người dân cần phải làm gì để tự bảo vệ mình?
Người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.
Hiện người dân đã tiêm mũi 3, mũi 4 vắc-xin Covid-19 khá lâu, ông đánh giá thế nào về khả năng bảo vệ của vắc-xin? Kế hoạch tiêm chủng của Bộ Y tế thời gian tới ra sao?
Giới chuyên môn cho rằng, hiệu quả của vắc-xin trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế, nhưng về khả năng phòng bệnh chuyển nặng, nhập viện, tử vong, thì vắc-xin vẫn hiệu quả. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, những người đã tiêm vắc-xin hoặc từng nhiễm bệnh đều có miễn dịch. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Theo khuyến nghị mới, chúng ta cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao, bởi nếu miễn dịch của họ giảm, dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong. Do vậy, các địa phương cần rà soát, đánh giá nhu cầu tiêm vắc-xin theo quy định và đề xuất gửi về Bộ Y tế làm cơ sở phân bổ cân đối đầy đủ vắc-xin và có kế hoạch tiêm đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng dịch tốt nhất.
Có nhiều thông tin cho rằng, Việt Nam đã xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có độc lực gấp nhiều lần các biến thể đang lưu hành. Ông có ý kiến gì về việc này?
Hiện Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3,3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%) và một số biến thể phụ khác. Tổ chức Y tế thế giới và Việt Nam chưa ghi nhận các biến chủng khác, biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế.
Việc giải trình tự gene là công việc thường xuyên và phải làm. Trong nước, các chuyên gia vẫn tiến hành thường xuyên ở các ổ dịch từ Bắc, Trung, Nam, các biểu hiện khác thường đều sẽ được công bố. Khi có biến thể mới làm giảm hiệu quả vắc-xin, hiệu lực của xét nghiệm, thì bệnh lây lan và tử vong cao, Bộ Y tế đã có những kịch bản trong từng trường hợp.