Nhiều công ty điện tử hàng đầu trên thế giới đã đầu tư và được chấp thuận xây dựng cơ sở sản xuất điện tử công nghệ cao tại Việt Nam trong thời gian gần đây. (Nguồn: TTXVN) |
Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Tlebalde Meirr, Trưởng bộ phận M&A bất động sản KPMG Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, các lĩnh vực sản xuất điện tử chủ chốt như phần cứng, linh kiện, thiết bị truyền thông, nghe nhìn đều đã có sự góp mặt của các ông lớn như Canon, Samsung, LG, Panasonic, Intel và cung cấp của Apple như Foxconn, Compal, Pegatron và Luxshare.
“Nhiều công ty điện tử hàng đầu trên thế giới đã đầu tư và được chấp thuận xây dựng cơ sở sản xuất điện tử công nghệ cao tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Điều này đã thúc đẩy các công ty khác lên kế hoạch hiện diện tại thị trường này”, bà Meirr nói.
Vào tháng 1/2021, Foxconn đã đầu tư 270 triệu USD vào dự án máy tính xách tay và máy tính bảng tại Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang). Cũng trong năm nay, LG Display có kế hoạch đầu tư thêm 750 triệu USD vào nhà máy tại Hải Phòng.
Trong khi đó, Pegatron cũng dự kiến đầu tư thêm dự án trong năm nay, với vốn đầu tư 481 triệu USD. Một dự án khác của nhà đầu tư này đã được lên kế hoạch thực hiện trong năm 2025-2026, với vốn đầu tư 500 triệu USD.
Ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc tiếp thị sản phẩm của Samsung Mobiles Việt Nam cho biết, Samsung đã đầu tư hơn 17,5 tỷ USD vào Việt Nam. Dự kiến, Samsung sẽ mở rộng đầu tư trong thời gian dài. Bên cạnh sản xuất, Samsung còn đầu tư vào trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội, dự kiến khai trương trong 2 năm tới và sẽ trở thành trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á, với vốn đầu tư 230 triệu USD.
Ông Chang Hung Chun, cộng sự của Nhóm Lãnh đạo thực hành Trung Quốc tại KPMG Việt Nam cho biết, gần đây, nhiều nhà sản xuất đã chuyển chuỗi sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp diễn. Trong đó, Inventec và Pegatron (hai nhà sản xuất linh kiện cho Iphone) đang chuyển đến Việt Nam. Apple cũng đã thành lập một nhà máy ở phía Bắc để sản xuất AirPod.
Điều thú vị hơn, mới đây, Panasonic đã chuyển nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt đặt tại Thái Lan sang Việt Nam. Động thái này phản ánh vị thế của Việt Nam là trung tâm sản xuất điện tử chính trong khu vực.
Doanh nghiệp nỗ lực thực hiện 3 tại chỗ
Tối 20/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 78/NQ-CP thành lập Tổ công tác đặc biệt và cho phép áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Trước đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng ra quyết định thông báo từ 0h ngày 15/7, doanh nghiệp nào không áp dụng 3 tại chỗ sẽ phải dừng sản xuất.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, tại khu công nghệ cao, công tác hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện an toàn sản xuất, trong đó bố trí chỗ ăn ở tập trung cho công nhân được triển khai từ tháng 6. Một số doanh nghiệp có nội lực tài chính lớn đã chủ động ký kết với hệ thống khách sạn, khu nhà trọ để bố trí công nhân ở tập trung và thực hiện đưa đón công nhân. Ngay khi quy định thành phố đưa ra, đã có 75/85 doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn phòng dịch Covid-19.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, theo ghi nhận chung, quy mô sản xuất đã giảm 50 -70%. Thậm chí, có nhà máy phải giảm 90% công suất sản xuất do không đủ điều kiện cơ sở vật chất để bố trí ăn ở tại chỗ cho công nhân. Chẳng hạn, Công ty TNHH Điện tử Samsung giảm 50%, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam giảm khoảng 70%, Công ty TNHH Jabil Việt Nam đã phải giảm đến 90% công suất sản xuất…
Thực hiện quy định “3 tại chỗ” sẽ dẫn đến chi phí tăng, chủ yếu là chi phí ăn ở, xét nghiệm Covid-19. Trước thực tế này, theo bà Lê Bích Loan, đại diện nhiều doanh nghiệp khuyến nghị giãn biên độ xét nghiệm Covid-19, kết hợp xã hội hóa công tác xét nghiệm Covid-19 để giảm thời gian chờ đợi của công nhân, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất liên tục. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần có chỉ đạo nhất quán nhằm chấm dứt tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa ở một số địa phương.