Doanh nghiệp
Việt Nam xếp hạng cao trong điểm đến M&A của Nhật
Vân Hương - 29/11/2023 07:59
Chia sẻ về tổng quan hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) của nhà đầu tư Nhật Bản năm 2023, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam đánh giá, Việt Nam xếp hạng cao trong top 10 điểm đến M&A hàng đầu của nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, ông có thể chia sẻ về hoạt động M&A của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam?

Các công ty Nhật Bản rất quan tâm đến giá trị chiến lược khi hợp tác với những doanh nghiệp Việt Nam, song số liệu thống kê cho thấy, sau đại dịch Covid-19, việc hợp tác đã phần nào chậm lại.

Theo thống kê của RECOF, bao gồm tất cả các giao dịch được công bố liên quan đến công ty Nhật Bản, Việt Nam ghi nhận 10 giao dịch M&A với nhà đầu tư Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 8. Con số này giảm so với cùng kỳ năm trước, khi đạt 13 giao dịch.

Việt Nam giữ vững vị trí thứ hai sau Singapore trong số các quốc gia Đông Nam Á về điểm đến đầu tư của Nhật Bản. Đầu tư của Nhật Bản cũng chậm lại ở các nước khác trong khu vực. Nguyên nhân do căng thẳng địa chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu đã phần nào tác động đến các nước Đông Nam Á nhiều hơn so với các khu vực khác. Trên thực tế, Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng kỷ lục các giao dịch M&A từ Nhật Bản.

Khoản đầu tư 1,5 tỷ USD của SMFG vào VP Bank là điểm nhấn duy nhất của hoạt động M&A Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2023. Nguyên nhân nào khiến hoạt động M&A chậm lại, thưa ông?

Thương vụ này là minh chứng cho đỉnh cao hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực ngân hàng. Giao dịch duy nhất này giúp Việt Nam đạt vị trí dẫn đầu về giá trị giao dịch M&A từ Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong 10 giao dịch hàng đầu có sự tham gia của các công ty Nhật Bản (cả ở Nhật Bản và nước ngoài) trong năm nay.

Có một thực tế, chúng ta thường dựa vào số lượng giao dịch hơn là tổng giá trị giao dịch khi xem xét xu hướng thị trường M&A. Tổng giá trị giao dịch thường biến động, cho dù số lượng giao dịch ít hơn, nhưng giá trị giao dịch đó lớn hơn.

Chúng tôi phải thừa nhận rằng, dòng chảy M&A giữa Nhật Bản và Việt Nam có phần chậm lại trong năm nay. Trên thực tế, các khách hàng Nhật Bản của chúng tôi vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội. Hoạt động kinh doanh của RECOF vẫn diễn ra sôi động với các cuộc đàm phán và thẩm định chuyên sâu (due diligence), tuy nhiên tâm lý đầu tư chung có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị toàn cầu, bất ổn kinh tế và tài chính cũng như đồng yên yếu.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Ông có kỳ vọng sự gia tăng đột biến trong hoạt động M&A của Nhật Bản tại Việt Nam khi hai quốc gia hướng tới mục tiêu nâng mối quan hệ lên tầm cao mới?

Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập mối quan hệ lâu dài và chặt chẽ, được củng cố bởi chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Nhật Bản. Chúng tôi tin tưởng vào nhu cầu bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản, không chỉ về đầu tư, mà còn về nguồn nhân lực, công nghệ và các yếu tố khác, giúp duy trì mối quan hệ hợp tác có lợi.

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị toàn cầu và vấn đề về chuỗi cung ứng, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong sản xuất. Trên thực tế, một số công ty Nhật Bản đã đánh giá lại vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất trong khu vực và đẩy nhanh việc đầu tư của họ.

Một yếu tố khác thúc đẩy các công ty Nhật Bản là vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nhật Bản có thể đóng góp về mặt công nghệ và tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo vì việc phát triển và đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên quan trọng đối với Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng chính trị toàn cầu và nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế tại quốc gia này.

Hoạt động M&A tại Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi, đạt 32 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Xu hướng này sẽ có tác động lan tỏa đến thị trường Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Trên thực tế, thị trường nội địa Nhật Bản cũng có dấu hiệu chậm lại trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 với số lượng giao dịch giữa các công ty Nhật Bản giảm 13%, nhưng tổng giá trị giao dịch đã tăng 96%, theo cơ sở dữ liệu của RECOF.

Trước áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế toàn cầu, một số công ty Nhật Bản bắt đầu thận trọng trong việc mua lại. Tuy nhiên, sức khỏe nền kinh tế Nhật Bản vẫn có những dấu hiệu tích cực và các công ty vẫn giữ được lượng tiền mặt dồi dào. Một trong những yếu tố thúc đẩy giá trị giao dịch trên thị trường M&A trong nước là các quỹ đầu tư tiếp tục gây áp lực buộc các công ty Nhật Bản phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đầu tư vào các thị trường tăng trưởng.

Động lực còn lại là vấn đề kế nhiệm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. M&A có tác dụng đẩy nhanh quá trình hợp nhất các ngành khác nhau và khiến các công ty luôn trẻ hóa.

Không phải tất cả các công ty Nhật Bản đều có đủ động lực cần thiết để thành công tại Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều công ty Nhật Bản sẵn sàng tham gia đầu tư vào Việt Nam. Những yếu tố này sẽ có tác động lan tỏa đến Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác