Hơn 100 năm về trước, dịch tả lợn châu Phi đã bắt đầu xuất hiện, cho đến hiện tại Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu ra loại vắc-xin phòng ngừa.
Thành công sau gần 3 năm nghiên cứu
Vừa qua, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam và các đối tác quốc tế đã chính thức ký kết hợp đồng phân phối sản phẩm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đóng vai trò là trụ cột quan trọng trong việc thực hiện tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, theo thống kê chưa đầy đủ cả nước thiệt hại khoảng 6 triệu con lợn.
Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng, là giải pháp hàng đầu để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra cách đây hơn 100 năm, nhưng đến nay ngoài Việt Nam ra, chưa có một quốc gia nào nghiên cứu được vắc-xin phòng bệnh này.
Cụ thể, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC) ký kết hợp tác xuất khẩu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE với 5 đối tác là: Kpp Power Commodities Inc (Philippines), PT Putra Perkasa Genetika (Indonesia), Yenher Agro-Products Snd Bhd (Malaysia), Indian Immunologicals Ltd (India), Earlybirds Delivery service limited (Myanmar).
Vắc-xin dịch tả lợn châu Phi được tiêm phòng cho lợn. |
Được biết, sau gần 3 năm “ròng rã" với hàng trăm cuộc thí nghiệm, hàng nghìn giờ nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã sản xuất thành công vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Theo đó, vắc-xin AVAC ASF LIVE là một trong hai vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được thương mại trên thế giới, và cả hai sản phẩm này đều được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là công cụ hiệu quả giúp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
"Vắc-xin AVAC ASF LIVE là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ đàn lợn, đặc biệt cần thiết cho chăn nuôi nông hộ và quy mô vừa, nhỏ, mô hình rất phổ biến ở Việt Nam, Philippine, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar", ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam cho biết.
Về chất lượng của loại vắc-xin này, ông Nguyễn Văn Điệp thẳng thắn cho rằng, AVAC ASF LIVE là một vắc-xin tốt, là giải pháp hữu hiệu, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hoàn hảo.
"Vẫn cần nhiều cải tiến để làm sản phẩm trở nên tốt hơn, có thêm dữ liệu để sử dụng phù hợp, hiệu quả hơn, để sản phẩm có vòng đời dài hơn", ông Điệp nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam cũng cho biết sẽ liên tục nghiên cứu, cập nhật, phát triển các sản phẩm, giải pháp mới đáp ứng nhu cầu thực tế khi virus liên tục biến chủng, dịch tễ thay đổi diễn biến phức tạp.
Trước đó, năm 2022, Việt Nam là nước đầu tiên nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Đây là một dấu ấn đặc biệt đối với nền chăn nuôi trên toàn thế giới.
Hiện, có 2 loại vắc-xin được Việt Nam cấp giấy chứng nhận lưu hành bao gồm: NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam.
Giảm bớt nỗi lo cho người chăn nuôi
Thời gian qua, vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đã phát huy hiệu quả tại thị trường chăn nuôi trong nước. Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, cả nước xảy ra 208 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 8.500 con.
So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 78% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 82%. Có được kết quả này một phần là nhờ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi.
Đáng chú ý, một năm qua đã có hơn 650.000 liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi được tiêm phòng cho lợn trong điều kiện kiểm soát tỷ lệ lợn được tiêm có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể đạt trung bình trên 95%.
Trước đó, Philippines cũng đã mua 300.000 liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam, họ đánh giá hiệu quả đạt gần 100%, và Chính phủ nước này đã cho phép nhập thêm hàng triệu liều để phục vụ phòng bệnh cho đàn lợn.
Đặc biệt, quá trình nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm vắc-xin diễn ra rất chặt chẽ, nghiêm ngặt với phương pháp hiện đại, có sự phối hợp với hội đồng quốc gia về công nghệ sinh học. Các nhà khoa học tỉ mỉ từ việc đánh giá virus đến môi trường tế bào đều được phối hợp rất nhuần nhuyễn.
Có thể thấy, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng là trụ cột quan trọng trong việc thực hiện tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc chế tạo thành công vắc-xin dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với ngành chăn nuôi Việt Nam mà còn cả các quốc gia trên thế giới.