Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trụ sở NHNN Việt Nam |
Đi đầu và thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội
Báo cáo tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định: NHNN Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự chủ động đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể. Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong thời gian vừa qua.
NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện giảm thiểu tác động của dịch, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng.
“Phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực, trụ cột, VietinBank đã triển khai các chương trình tín dụng thiết thực, lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với trước khi có dịch bệnh và giảm mạnh phí dịch vụ. VietinBank đã phối hợp chặt chẽ với khách hàng đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng, nhóm khách hàng để cơ cấu lại hoạt động. VietinBank khẳng định và cam kết đáp ứng kịp thời, đầy đủ tất cả các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng chính đáng, cần thiết của doanh nghiệp và người dân”, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết.
Cũng trong bài phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Đức Thọ cho biết, đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh với doanh số giải ngân mới trên 130.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất cho vay khách hàng, giảm từ 2 - 2,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ là đại diện duy nhất của các ngân hàng thương mại phát biểu tại Hội nghị |
Cùng với toàn ngành thực hiện mạnh mẽ chỉ đạo tại Thông tư 01, VietinBank đã thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng vay vốn, đòn thời công khai, minh bạch thủ tục, điều kiện cơ cấu nợ, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ cho vay. Đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.500 khách hàng với dư nợ 50.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ đến hạn cần cơ cấu lại trên 5.000 tỷ đồng.
VietinBank cũng đồng thời tiếp tục cải cách mạnh mẽ quy trình, thủ tục, ứng dụng rộng rãi các giải pháp ngân hàng trên các kênh điện tử, an toàn, bảo mật. Triển khai tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm cung cấp đa dạng các dịch vụ công không dùng tiền mặt cho người dân.
Đoàn kết, quyết tâm phát triển mạnh mẽ
Covid-19 là đại dịch, nhưng cũng là cơ hội phát triển nếu biết tổ chức kinh doanh tốt, hợp tác tốt. Thủ tướng chỉ đạo các bên liên quan lắng nghe ý kiến của đại biểu, nhà đầu tư, để có Nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện phát triển...
Với độ mở kinh tế cao, dự báo kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và ngành ngân hàng là một trong những ngành chịu tác động lớn. Vì vậy, VietinBank nói chung và ngành ngân hàng nói riêng rất cần sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ các doanh nghiệp và sự hỗ trợ bằng các giải pháp, chính sách kịp thời của Chính phủ và các ngành, các cấp.
Tại Hội nghị, ông Lê Đức Thọ đã đề nghị các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các phương án, dự án thực sự khả thi, tập trung các nguồn lực thực hiện có kết quả, cân đối được nguồn trả nợ. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn, thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tín dụng, phục hồi phát triển nền kinh tế.
“Ngân hàng là doanh nghiệp, cần bảo đảm kinh doanh chất lượng, hiệu quả, an toàn. Việc hỗ trợ giảm lãi suất và phí dịch vụ của các ngân hàng bản chất là chia sẻ của ngân hàng từ nguồn vốn tự huy động, cắt giảm chi phí và giảm lợi nhuận của ngân hàng. Do đó có những giới hạn nhất định và rất cần sự đồng hành, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác để cùng khắc phục khó khăn, phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Lê Đức Thọ khẳng định.
Để các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái cơ cấu hoạt động, đón đầu các cơ hội mới sau khi dịch bệnh được kiểm soát, VietinBank đề xuất với Chính phủ và các ngành, các cấp tăng vốn tự có cho các ngân hàng thương mại Nhà nước. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có các tổ chức tín dụng, về thuế, phí để có điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngành ngân hàng và VietinBank cam kết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, có kết quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.