Tài chính - Chứng khoán
VietinBankSC đặt kế hoạch lợi nhuận tăng chưa đến 5%, "neo" room ngoại ở 49%
Thanh Thuỷ - 02/03/2022 14:35
Dù có thể nới room ngoại lên mức tối đa 100%, nhưng theo điều lệ VietinBankSC, Ngân hàng mẹ là VietinBank phải luôn đảm bảo nắm giữ tối thiểu 51% vốn.

Năm 2021 thắng lớn nhờ tự doanh, đặt mục tiêu “đột phá” mảng môi giới nhưng tăng trưởng lợi nhuận chỉ bé hạt tiêu

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSC) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 21/3 tới đây.

Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng “nóng” trong năm 2021, kế hoạch mà ban lãnh đạo VietinBankSC đề ra cho năm 2022 lại chỉ đưa ra mục tiêu lợi nhuận tăng 4,8%.

Cụ thể, VietinBankSC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 505,171 tỷ đồng. Con số trên gấp gần 2,8 lần kế hoạch đề ra cho năm 2021, nhưng chỉ nhỉnh hơn 4,8% so với kết quả thực hiện. Cổ tức năm 2022 dự kiến là 10%. Tuy nhiên, HĐQT cũng đề xuất được uỷ quyền chủ động rà soát, nghiên cứu và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Lý do bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Kết thúc năm 2021, tổng doanh thu và thu nhập khác của VietinBankSC đạt 1.067,6 tỷ đồng. Trong đó doanh thu hoạt động kinh doanh và doanh thu hoạt động tài chính là 1.066,8 tỷ đồng, tăng 74,43% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt gần 482 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2020 và hoàn thành vượt kế hoạch 180,48 tỷ đồng do Đại hội đồng cổ đông giao.

Hoạt động tự doanh tiếp tục là mảng kinh doanh đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ đạt 635 tỷ đồng, gấp rưỡi năm trước. Hoạt động môi giới và cho vay margin là động lực tăng trưởng đáng chú ý, đóng góp lần lượt 149 tỷ đồng và 145 tỷ đồng trong năm 2021. Doanh thu nghiệp vụ môi giới cao gấp 3 lần mức đạt được của năm trước.

Đề ra mục tiêu cho năm 2022, VietinBankSC định hướng tập trung tối đa nguồn lực, con người để đẩy mạnh đột biến, khai thác tối đa mảng hoạt động nghiệp vụ môi giới, bao gồm cả tư vấn đầu tư, cho vay margin và cung cấp dịch vụ cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán từ nguồn vốn của công ty.

Trái với sự khởi sắc của các mảng này, mảng nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán lại bị thu hẹp đáng kể với doanh thu mang về chỉ bằng 13% năm trước.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc Trần Phúc Vinh, việc Ngân hàng Nhà nước đã và đang tiếp tục thắt chặt quy định về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (gần đây nhất là Thông tư 16/2021/TT-NHNN) gây  khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm nhà đầu tư có nhu cầu mua trái phiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu vốn đem lại nguồn doanh thu lớn trong các năm qua của Công ty.  Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng kỳ kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

“Đây cũng sẽ là mảng kinh doanh trọng tâm của VietinBankSC trong năm 2022 với lợi thế từ tệp khách hàng doanh nghiệp lớn, nhiều tiềm năng của ngân hàng mẹ - VietinBank cũng như các khách hàng tiềm năng mà Công ty đã tiếp cận từ giai đoạn 2021 trở về trước”. Lãnh đạo công ty cũng cho biết mục tiêu của công ty là tham gia tư vấn, đại lý phát hành cho toàn bộ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp dự kiến phân phối qua hệ thống VietinBank trong năm 2022. 

Dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu, room ngoại chỉ ở mức 49%

Một trong các nội dung trình cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay là về tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài.

Với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, VietinBankSC có thể nới tối đa room ngoại lên 100%. Tuy nhiên, dựa trên Điều lệ công ty vừa được sửa đổi tại cuộc họp cổ đông bất thường tổ chức tháng 1/2022, công ty chứng khoán này đã quy định VietinBank phải luôn đảm bảo nắm giữ tối thiểu 51% vốn. Do vậy, HĐQT công ty đang trình để được thông qua mức room ngoại 49%.

Hiện VietinBank sở hữu 75,6% vốn của VietinbankSc. Hồi giữa năm 2021, đã có thông tin cho biết nhà băng trên đang tìm đối tác chiến lược với mong muốn giảm vốn góp khoảng 15%.

Tại cuộc họp cổ đông bất thường năm 2022 tổ chức hồi tháng 1, VietinBankSC đã quyết định chia cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chi trả cổ tức của năm 2018, toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ năm 2019 và một phần lợi nhuận sau thuế và trích quỹ năm 2020. Hiện phương án trên đang trong quá trình thực hiện.

Theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, kế hoạch mà HĐQT VietinBankSC dự kiến cũng là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy vậy, việc này cũng cần xin ý kiến cổ đông thông qua sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 chưa được nêu chi tiết. 

Ngoài ra, do quy định mới không còn yêu cầu công ty chứng khoán trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ tại Thông từ 114/2021, nguồn vốn tại các quỹ trên cũng sẽ được dùng để bổ sung vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số dư hai nguồn vốn trên đến cuối năm 2021 xấp xỉ 96 tỷ đồng, không quá lớn so với quy mô vốn trên nghìn tỷ đồng của VietinBank SC.  

Giữa cơn bão tăng vốn điều lệ của ngành chứng khoán các năm gần đây, quy mô vốn của công ty chứng khoán này vẫn dậm chân tại chỗ. Lần tăng vốn điều lệ gần nhất của VietinBankSC là vào tháng 9/2018 khi công ty chứng khoán này chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:9. Kể từ khi cổ phần hoá và niêm yết cổ phiếu trên HNX năm 2009 và sau này là HoSE năm 2017, công ty cũng chỉ tăng vốn qua hình thức trên.

Tin liên quan
Tin khác