Đây là kỳ Đại hội thứ 3 kể từ khi Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào năm 2015. |
Quan ngại giá dầu tăng
Tại Đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nội dung chính của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 như: Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và các chỉ tiêu chính của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 và phương án phân phối lợi nhuận; Lựa chọn công ty kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn 2019-2021…
Cụ thể, các cổ đông đã thông qua chủ trương chuyển sàn giao dịch cổ phiếu của Vietnam Airlines sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2018. Thời điểm thực hiện các thủ tục chuyển sàn giao dịch cổ phiếu được ủy quyền cho HĐQT quyết định sau khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các cổ đông đã biểu quyết và lựa chọn công ty kiểm toán báo cáo tài chính cũng như mức phí kiểm toán và mọi vấn đề liên quan đến thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất giai đoạn 2019 – 2021 của Vietnam Airlines. Các cổ đông tham dự đại hội cũng biểu quyết thông qua các sửa đổi, bổ sung về Điều lệ và Quy chế nội bộ về quản trị của Vietnam Airlines theo các quy định của pháp luật.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 được Đại hội cổ đông thông qua, Vietnam Airlines phấn đấu đạt chỉ tiêu tổng sản lượng vận chuyển khách là hơn 24,3 triệu lượt khách; doanh thu hợp nhất là hơn 97.000 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt gần 73.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty đạt hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt hơn 1.950 tỷ đồng.
Ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, thị trường hàng không năm 2018 dự báo sẽ có rất nhiều thách thức, trong đó giá nhiên liệu dự kiến tăng mạnh và duy trì ở mức 75-80 USD/ thùng, tăng 15-20% so với năm 2017. Dự kiến, giá nhiên liệu có thể lên tới 100 USD/thùng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận P5+1 với Iran vào đầu tuần này.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện nhiên liệu chiếm 30% chi phí vận hành, do đó việc tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Giá xăng dầu giảm, các hãng có điều kiện để giảm giá vé cho người dùng. Còn giá dầu tăng, hãng muốn tăng giá vé cũng phải cân nhắc vì bài toán nguồn cung, vì giá đắt, lượng khách sẽ giảm. Tuy nhiên, về lâu dài Vietnam Airlines cũng điều chỉnh giá vé trên cơ sở cân đối cung cầu. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh trong ngành, nhất là với các hãng hàng không giá rẻ ngày càng gay gắt. Việc quá tải tại các sân bay cũng là một khó khăn lớn cho các hãng hàng không nói chung và tổng công ty nói riêng trong việc mở rộng quy mô khai thác, tăng thêm tải cung ứng để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Sẽ đặt mua 50 tàu bay mới
Năm 2018, công ty dự kiến khai thác trung bình 92,7 tàu bay, nhận thêm 2 máy bay A350 (SLB) và 9 máy bay A321-NEO thuê, trả sớm 4 tàu thuê ATR72 và 3 tàu thuê A330 đến hạn. Tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 là 98 tàu bay.
Trong giai đoạn từ năm 2019-2021, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tiếp nhận thêm 21 tàu bay gồm 11 A321 NEO thuê, 2 A350 (SLB) và 8 B787-10 thuê.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết, hiện công ty đang hoàn thiện kế hoạch phát triển đội tàu bay đến năm 2025, trong đó dự kiến tổng số tàu bay năm 2020 là 109-112 chiếc, năm 2025 là 132 -135 chiếc.
“Công ty có nhu cầu đặt mua mới khoảng 50 tàu bay thân hẹp để thay thế cho đội tàu bay cũ/ hết hạn thuê và bổ sung đáp ứng nhu cầu phát triển”, ông Dương Trí Thành cho biết.
Về kế hoạch đầu tư, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên cho các dự án đầu tư cấp thiết, phù hợp với mục tiêu dài hạn; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, kế hoạch đầu tư năm 2018 gồm 90 dự án (56 dự án chuẩn bị đầu tư, 34 dự án thực hiện đầu tư) với tổng kinh phí phí đầu tư khoảng 3.503,9 tỷ đồng.
Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực vận tải hàng không (các dự án tàu bay, trang thiết bị, công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng) có tổng kinh phí là 2.630,2 tỷ đồng, chiếm 75% kinh phí đầu tư năm 2018.
Đầu tư bổ sung vốn vào các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty trong dây chuyền vận tải hàng không để đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của các doanh nghiệp trên cơ sở cân đối nhu cầu và khả năng huy động vốn tối đa của doanh nghiệp. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 873,8 tỷ đồng, chiếm 25% kinh phí đầu tư năm 2018.
Về việc thoái vốn Nhà nước xuống 51%, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, việc giảm tỷ lệ có thể diễn ra theo hai cách, hoặc Nhà nước bán bớt vốn, hoặc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu và Nhà nước không mua tiếp.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ cả hai giải pháp, song song việc Nhà nước thoái vốn, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phiếu nhằm phục vụ vốn kinh doanh. Với quy mô của Vietnam Airlines, vốn chủ sở hữu 2025 của công ty phải đạt mức tối thiểu 1 tỷ USD, tương đương 23.000 tỷ đồng”, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết.
Chốt cổ tức 8% bằng tiền
Tại Đại hội, các cổ đông đã đánh giá cao kết quả kinh doanh năm 2017 của hãng. Năm 2017, Vietnam Airlines đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch trọng điểm và đạt kết quả sản xuất kinh doanh vượt bậc so với kế hoạch và so với 2016: Vận chuyển 140.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối với hơn 22 triệu lượt hành khách; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 3.100 tỷ đồng, vượt 92,6% kế hoạch, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt trên 1.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 52% và vượt kỷ lục năm 2016. Bên cạnh đó, thu nhập và phúc lợi người lao động được cải thiện; chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn 4 sao ngày càng được khẳng định; chỉ số đúng giờ đi/đến luôn được duy trì ở mức cao, lọt top 10 hãng Hàng không có chỉ số đúng giờ tốt nhất thế giới.
Năm 2017, Vietnam Airlines được ghi nhận là Doanh nghiệp có chỉ số tài chính tốt nhất thị trường. Theo đánh giá của Brand Finance, giá trị thương hiệu của VNA được định giá 310 triệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016.
Với những thành quả đạt được ấn tượng trong năm 2017, Vietnam Airlines thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông với mức 8%, cao hơn 2% so với năm 2016. Tỷ lệ này là phù hợp với kết quả kinh doanh năm 2017 và các quy định của nhà nước, đảm bảo cân đối dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, có tính đến khả năng chi trả cổ tức ổn định cho năm 2018 và các năm tiếp theo.
Vietnam Airlines cho biết là sẽ tập trung các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, ổn định và nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn theo nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tối đa lợi ích cho các cổ đông.