Chuyến tàu đầu chỉ có “tam đại gia”
Ngay trong tháng 9/2016, Viettel, VinaPhone, MobiFone sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cấp phép triển khai 4G.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TTTT) khẳng định, Viettel, VinaPhone, MobiFone được cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz, băng tần mà 3 nhà mạng này đã được cấp trước đây cho 2G.
4G được xem là mảnh đất màu mỡ đối với những nhà mạng. |
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TTTT sẽ quản lý theo hướng trung lập về công nghệ. Bộ chỉ cấp băng tần cho các doanh nghiệp, nhưng dùng băng tần đó cho công nghệ nào (3G, 4G hay 5G)… do nhà mạng tự quyết định, Bộ không quy định cụ thể băng tần đó dùng cho công nghệ nào. Trước đó, cuối tháng 12/2015, ngoài 3 nhà mạng nêu trên xin thử nghiệm 4G, có thêm FPT Telecom. Còn Vietnammobile thì không nộp hồ sơ xin thử nghiệm 4G.
Đến nay, trong khi Viettel, MobiFone, VinaPhone đã hoàn tất thử nghiệm, sẵn sàng triển khai công nghệ 4G tới hơn 100 triệu thuê bao, thì FPT Telecom và Vietnammobile vẫn “bất động”. Liệu hai nhà mạng này từ bỏ cuộc chơi 4G?
Vì sao nhà mạng nhỏ “không lên tàu”?
Hiện cả Vietnammobile và Gmobile đều đang vật lộn với khó khăn khi có vùng phủ sóng nhỏ, công nghệ lạc hậu, khách hàng và doanh thu ít.
Vietnammobile, nhà mạng đứng thứ 4 với công nghệ đi sau 3 nhà mạng (hiện Vietnammobile mới chỉ có công nghệ 2,75G, vùng phủ sóng mới chỉ ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Nha Trang) và lượng khách hàng rất nhỏ so với 3 nhà mạng trên. Cơ hội để vươn lên đối với họ sẽ là 4G, nên việc họ không nộp hồ sơ xin thử nghiệm 4G là điều khá lạ.
Với hơn 50% số người sử dụng dịch vụ 3G hiện tại, 4G hiện nay được xem là mảnh đất màu mỡ đối với những nhà mạng. Phát triển lên 4G là con đường để các nhà mạng vươn lên, tồn tại. Chi phí trên từng MB với 4G sẽ thấp hơn 3G và 2G rất nhiều. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ 4G cũng khả quan hơn. Mặt khác, công nghệ 4G triển khai không mấy khó khăn trên hệ thống trạm BTS đã có sẵn.
Đặc biệt, với quan điểm nhà mạng tự do dùng băng tần cho các công nghệ 3G , 4G, 5G mà Bộ TTTT khẳng định, những nhà mạng nhỏ như Vietnammobile, Gmobile không triển khai 4G là điều “khó hiểu”.
Bà Elizabete Fong, Tổng giám đốc điều hành Vietnamobile cho biết, nhà mạng này đang tập trung cho kế hoạch mở rộng vùng phủ sóng 3G trên toàn quốc và rất sẵn sàng với 4G, nhưng cần phải được cấp phép. Vietnammobile rất muốn có được giấy phép 4G để cung cấp dịch vụ cho khách hàng và đang chờ đợi những chính sách từ Chính phủ Việt Nam.
Còn Gmobile, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, đang “xin chuyển đổi hình thức đầu tư” và thực hiện tái cấu trúc, nên thời điểm này, việc họ không tham gia cuộc chơi 4G là có thể hiểu được.
Riêng FPT từ lâu khao khát bước chân vào thị trường viễn thông và đã xin thử nghiệm 4G từ cuối năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. FPT vốn mạnh ở mảng Internet, nên nếu có triển khai 4G thì rất có thể vẫn kiểu của nhà cung cấp dịch vụ Internet và chưa thể cung cấp 4G di động.
Còn “chuyến tàu vét”
Như vậy, có thể thấy rằng, ít nhất từ nay đến hết năm 2016, Vietnammobile, Gmobile, FPT Telecom sẽ không kịp lên chuyến tàu 4G đầu tiên cùng Viettel, MobiFone, VinaPhone.
Nhưng cánh cửa vẫn chưa khép lại với họ. Theo Cục Tần số vô tuyến điện, năm 2017 rất có thể Bộ TTTT sẽ tiến hành đấu giá băng tần 2.6 GHz mà Bộ đã quy hoạch cho 4G. Để có băng tần này, Gmobile, FPT, Vietnamobile sẽ phải tham gia đấu giá tần số này với nhau và với cả 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone.
Mặt khác, theo Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TTTT cũng sẽ xem xét triển khai 4G trên các băng tần 900, 2100 MHz nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Sau khi tiến hành số hóa truyền hình sẽ dư ra băng tần 700 MHz có thể được sử dụng cho băng rộng di động.
Như vậy, ngay cả khi không đấu giá được băng tần 2.6 GHz, Gmobile, FPT, Vietnamobile vẫn “có cửa” triển khai 4G bằng các băng tần thấp nêu trên.
Có thể thấy rằng, cơ hội để “trở mình” hoặc ít nhất là tồn tại bằng công nghệ 4G của Vietnammobile và Gmobile sẽ gian nan. Nhưng, nếu không tiến lên 4G thì một tương lai mù mịt đang đón chờ các nhà mạng nhỏ, bài học “chết lâm sàng” như S-Fone vẫn còn nóng hổi.