Hôm 15/9, Vietnamobile chính thức ra mắt SIM PIZZA mới, mà theo bà Elizabete Fong, Tổng giám đốc điều hành Vietnamobile, là “mới, độc, lạ” chưa từng có ở thị trường Việt Nam, với những ưu đãi vượt trội cho tất cả dịch vụ viễn thông, từ gọi, nhắn tin, tới lướt mạng, sử dụng OTT, dịch vụ giá trị gia tăng và cho phép người dùng tự thiết kế SIM theo yêu cầu cá nhân.
“Chúng tôi hy vọng với sự ra mắt của SIM PIZZA, thuê bao của Vietnamobile sẽ tăng trưởng nhanh chóng”, bà Elizabete Fong nói.
Trên thực tế, Vietnamobile thuộc diện sáng tạo hơn cả so với các nhà mạng khác, khi liên tục tung ra các gói cước mới, các chương trình khuyến mại đặc biệt. Chẳng hạn, gần đây là gói cước SIM tốt, hay Thạch Sanh, rồi Siêu tiết kiệm S20… Tuy nhiên, nhà mạng này vẫn không có nhiều cải thiện về số lượng thuê bao.
Vietnamobile nhắm vào giới trẻ Việt Nam để tăng thị phần. Ảnh: Đức Thanh |
“Vấn đề” lớn nhất, thậm chí là “điểm yếu chết người” ở Vietnamobile mà ai cũng biết, đó chính là vùng phủ sóng. Hiện tại, “sóng 3G” của Vietnamobile mới được phủ ở 4 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Nha Trang. Các địa phương còn lại, chỉ là 2,75G. Chưa kể, Vietnamobile trên thực tế chỉ nắm 1/2 băng tần 3G, sau khi EVN Telecom “về với đội” Viettel.
Dù theo lý giải của Vietnamobile là chỉ cần 2,5G, người dùng đã có thể “vô tư” lướt web, facebook, sử dụng zalo…, song khi mà các nhà mạng “đại gia” khác là Viettel, MobiFone, Vinaphone đã bắt đầu với 4G thì việc Vietnamobile vẫn “đì đẹt” với 2,75G là một sự chậm trễ khó có thể chối cãi.
“Chúng tôi sẽ phủ sóng 3G toàn quốc”, bà Elizabete Fong chia sẻ về kế hoạch của Vietnamobile, như một bước đi tất yếu nếu như muốn tồn tại trên thị trường viễn thông Việt Nam. “Trong vòng 12 - 14 tháng tới, việc này sẽ được triển khai. Chúng tôi cần thời gian để nhập khẩu máy móc, thiết bị”, bà Elizabete Fong còn cho biết, Vietnamobile cũng sẽ sẵn sàng với cả 4G, tuy nhiên còn phụ thuộc vào sự cấp phép của Chính phủ Việt Nam.
Trên thực tế, kế hoạch phủ sóng 3G đã được Vietnamobile nhắc tới, khi bắt đầu thực hiện các thủ tục đầu tiên để chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) sang công ty cổ phần. Tháng 4/2016, Chính phủ đã cho phép việc này. Ngay sau đó, giấy chứng nhận đầu tư cũng đã được cấp. Theo đó, CTCP Viễn thông di động Vietnamobile sẽ được thành lập, gồm 3 cổ đông là CTCP Viễn thông Hà Nội (góp 50% vốn điều lệ); Hutchison Telecommunications (Vietnam) S.A.R.L (49%) và cá nhân bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom (1%). Tổng vốn đầu tư điều chỉnh của Vietnamobile là 1,248 tỷ USD, thời gian thực hiện dự án là 50 năm.
“Tới đây, màu da cam sẽ tràn ngập thị trường hơn”, bà Elizabete Fong nói. Theo bà, Vietnamobile không cho rằng mình “thất bại” trong thời gian qua, mà chỉ là đang dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu thị trường. Đây phải chăng là cách “nói tránh” của bà Elizabete Fong khi được hỏi về sự thất bại của Vietnamobile ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua?
Sự thật là, hiện thị trường viễn thông Việt Nam vẫn đang nằm trong tay ba ông lớn Viettel, Vinaphone và MobiFone, với trên 90% thị phần. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm qua, MobiFone đạt tổng doanh thu pháp lệnh khoảng 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 7.395 tỷ đồng. Trong khi đó, con số ở Viettel là doanh thu 222.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 45.800 tỷ đồng. Còn tại VNPT, tổng doanh thu của doanh nghiệp này ước đạt 89.122 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh doanh viễn thông - công nghệ thông tin đạt 80.811 tỷ đồng.
Cả ba nhà mạng này cũng đều đạt kết quả tăng trưởng thuê bao ấn tượng, với 29,7 triệu thuê bao của Vinaphone, tăng 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014. Với MobiFone, riêng thuê bao phát triển mới đã đạt 15 triệu, vượt 33,6% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, Viettel phát triển thêm 6,8 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 56,4 triệu thuê bao trong năm qua.
Thực tế thì, thị trường viễn thông Việt Nam nhiều năm qua, dù rất tiềm năng, nhưng lại không có quá nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, cho các nhà mạng nhỏ. Trước đây, SK Telecom (Hàn Quốc) và VimpelCom (Nga) đều đã “tham chiến” ở thị trường Việt Nam, song rồi cũng phải lần lượt rút lui, khiến các thương hiệu Sfone rồi Beeline chỉ còn là dĩ vãng.
Hiện, chỉ còn nhà đầu tư nước ngoài duy nhất là Hutchison Asia Telecommunications ở lại với thị trường viễn thông Việt Nam. Phải nói rằng, Hutchison đã rất kiên nhẫn, cực kỳ kiên nhẫn với “giấc mơ da cam” của mình.
“Vietnamobile đang đứng ở vị trí thứ tư, vẫn còn rất nhiều thách thức, nhưng chúng tôi sẽ chọn một cách đi khác, không cạnh tranh với các nhà mạng lớn, mà sẽ hướng tới các khách hàng trẻ. Với nhiều thị trường trên thế giới, dù đến sau và cũng gặp không ít khó khăn không khác gì ở thị trường Việt Nam, nhưng Hutchison vẫn thành công”, bà Elizabete Fong nói và lý giải, có 3 điểm quan trọng mà nếu làm tốt thì sẽ thành công. Đó là chất lượng mạng, dịch vụ chăm sóc khách hàng và sự sáng tạo, bắt kịp xu thế thời đại. Và cả 3 điểm này, Vietnamobile đang nắm giữ trong tay. Với SIM PIZZA, với nhiều gói ưu đãi bổ trợ chỉ bắt đầu với chi phí 2.000 - 3.000 đồng, Vietnamobile sẽ chinh phục được giới trẻ Việt Nam.
Vẫn còn quá sớm để nói về việc “giấc mơ màu cam” của Vietnamobile, nhưng chỉ riêng việc Hutchison “bền gan” đến tận bây giờ để ở lại Việt Nam cũng là điều đáng trân trọng. Thêm nữa, sự trở lại của nữ tướng Elizabete Fong được cho là có thể mang lại luồng sinh khí mới cho Vietnamobile, nhất là khi nhà mạng này đã được “thay máu” bằng việc chuyển đổi hình thức và tăng thêm tiền để đầu tư mạng lưới.