Trước ngày 6/7, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam- Vietravel (UPCoM: VTR) là đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế Kent.
Tuy nhiên, hiện ông Tô Xuân Thu, sinh năm 1990 là Tổng giám đốc công ty và ông Nguyễn Hưng Việt, sinh năm 1965 là Chủ tịch HĐQT.
Tính đến thời điểm công bố Báo cáo thường niên năm 2020 vào tháng 4/2021, Công ty cổ phần Quốc tế Kent là 1 trong 7 công ty con trong nước (1 trong 12 công ty con trong và ngoài nước) của Vietravel; đào tạo và cung cấp nhân lực hàng không độc quyền cho hãng hàng không Vietravel Airlines của Vietravel.
Về lịch sử thành lập, năm 2003, đơn vị này được cấp giấy phép đầu tư là Trung tâm đào tạo Kent-CBAM về công nghệ thông tin, tiếng Anh và đổi tên thành thành Trung tâm đào tạo Quốc tế Kent (năm 2005) rồi nâng cấp thành trường cao đẳng Quốc tế Kent (năm 2006).
Đến năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập trường cao đẳng Quốc tế Kent và các chương trình đào tạo của Kent được xây dựng, thiết kế theo khung chuẩn của QAA – đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục của Anh Quốc.
4 năm sau đó, Vietravel mua 66% cổ phần của Công ty cổ phần Quốc tế Kent với kỳ vọng có thể tham gia sâu hơn vào lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là chủ động đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch và phát triển thành trường đại học.
Giá trị thương vụ mua và bán cổ phần (cho đối tác nào) tại công ty Quốc tế Kent từ hơn 2 năm trước và hiện nay đều chưa được tiết lộ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (hàng trên, bên trái) và ông Kam Hing Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần Quốc tế Kent khi ký kết hợp đồng vào ngày 22/3/2019 (Ảnh: internet). |
Trường được phép đào tạo các ngành như quản trị kinh doanh vận tải hàng không, sản xuất phim và hoạt động, tiếp thị số, quản trị nhà hàng,…và các khóa học ngắn về nghiệp vụ bán vé máy bay, tiếp viên hàng không, thiết kế thời trang,…
Về Vietravel, sau hơn một năm hoạt động kinh doanh bị sụt giảm trầm trọng do ảnh hưởng từ đại dịch, công ty này được tái cấu trúc.
Hoạt động nổi bật nhất và được nhiều người quan tâm nhất là ban lãnh đạo công ty quyết định tìm kiếm đối tác, đàm phán để chuyển nhượng cổ phần tại Vietravel Airlines vì hoạt động kinh doanh từ mạng lữ hành của Vietravel hiện chưa hồi phục như dự kiến.
Kéo theo đó, hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tương đối thấp, không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ các mảng đầu tư khác như Vietravel Airlines,…
Năm 2021, Vietravel Airlines đi vào hoạt động và được dự trù kế hoạch sẽ lỗ trong những năm đầu hoạt động.
Vì vậy, nếu giữ nguyên cấu trúc sở hữu như hiện nay, Vietravel là công ty mẹ, sở hữu 100% vốn điều lệ của Vietravel Airlines thì toàn bộ khoản lỗ của hãng hàng không này sẽ được hợp nhất trên báo cáo tài chính của Vietravel.
Năm 2020, Vietravel ghi nhận doanh thu 1.517 tỷ đồng và lỗ gần 99 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này trong năm nay được kỳ vọng đạt lần lượt 6.243 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Quý đầu năm nay, Vietravel ghi nhận doanh thu thuần hơn 276 tỷ đồng và lỗ hơn 72.8 tỷ đồng.