Du lịch
Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức
Hồng Phúc - 01/07/2021 09:12
Không có doanh thu, hàng loạt doanh nghiệp lữ hành ở mọi quy mô buộc phải cho nhân sự nghỉ việc, với số người lên tới hàng chục nghìn người.

Chỉ 50 người đi làm trên tổng số 1.700 lao động

Kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành là hoạt động kinh doanh chính của Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã: VTR) từ khi thành lập đến nay.

Là nhà sáng lập/ Chủ tịch doanh nghiệp lữ hành trong tốp đầu tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ không giấu nổi sự xót xa khi chứng kiến hàng chục nghìn lao động trong ngành này không còn việc làm.

“Đây là điều chưa từng có trong ngành du lịch”, Chủ tịch HĐQT Vietravel trăn trở và lấy ví dụ thực tế tại doanh nghiệp, hiện chỉ còn 50 nhân viên làm việc. Trong khi, tổng số lao động tại doanh nghiệp này là 1.700 người. 

Dù những doanh nghiệp như Vietravel có cố níu giữ người lao động nhưng không có nguồn thu, không thể cầm cự được việc trả lương cơ bản thì bắt buộc phải để người lao động nghỉ việc.

Nhiều lao động dù có sự dày dặn kinh nghiệm trong hơn chục năm làm nghề, trở thành chất xám mang về nguồn thu cho hãng lữ hành cũng không thể tránh khỏi tình trạng phải nghỉ việc.  

Máy bay Vietravel Airlines chỉ vừa rời đường băng thì gặp phải "bão" lớn mang tên Covidd-19 (Ảnhh: VTR).

Covid-19 đã gây tác động nặng nề nhất trong lịch sử ngành du lịch và đến nay, tất cả các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đã đuối sức thật sự khi gần như tất cả đã dừng hoạt động. 

64 văn phòng trên 40 tỉnh, thành của Vietravel đã tạm dừng hoạt động, người lao động nghỉ ở nhà. 

Vietravel còn có hãng bay nhưng kết quả kinh doanh đã nằm im ở mức đáy từ khi đi vào khai thác.

Trước khi làn sóng dịch lần thứ 4 xảy ra, trung bình mỗi ngày hãng này có 150.000 khách đi và đến. Nhưng hiện, khách đi 4.000 người và khách đến chỉ còn khoảng 1.800 người. 

Xu hướng giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần đây nhất vào đầu tháng 6, Vietravel công bố thông tin giải thể văn phòng tại Thái Lan, Singapore trong tổng số 6 văn phòng ở nước ngoài.

Không chỉ với doanh nghiệp tư nhân như Vietravel, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) trực thuộc TP.HCM cũng đang đuối sức trong hoạt động kinh doanh dịch vụ- du lịch.Saigontourist quản lý, khai thác hệ thống nhà hàng, khách sạn (4-5 sao), thương mại, xuất nhập khẩu,…

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist cho biết, doanh thu lữ hành của hãng đã về con số 0, công suất phòng tại hệ thống khách sạn chỉ đạt từ 2-3% bởi nguồn thu chính cho hệ thống này đến từ khoảng 90% khách quốc tế đã không còn.

Đồng thời, TP.HCM đang áp dụng quy định giãn cách trên toàn địa bàn, mọi sự kiện, hội nghị,…đều không thể tổ chức.

Trông ngóng hỗ trợ

Vietravel và Saigontourist cũng là doanh nghiệp được đến nhiều nhất trong văn bản của Sở Du lịch TP.HCM gửi Uỷ ban, đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Theo số liệu của Sở Du lịch TP.HCM, trong năm ngoái, trung bình lượng khách của các công ty lữ hành trên địa bàn chỉ đạt từ 30 đến 40% so với cùng kỳ năm 2019. 

Điển hình như Saigontourist chỉ đạt 30%, giảm khoảng 619.000 lượt khách; Vietravel chỉ đạt 40%, giảm khoảng 519.000 lượt khách. 

Doanh thu của các công ty lữ hành cũng chỉ đạt từ 20-30% so với cùng kỳ năm liền kề trước đó. Doanh thu mảng lữ hành của Saigontourist chỉ đạt 25%, giảm khoảng 3.900 tỷ đồng và Vietravel chỉ đạt 23%, giảm khoảng 5.300 tỷ đồng.

Còn trong 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu lữ hành chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình thế đang rất cấp bách khi doanh nghiệp và lao động trong ngành đều gặp rất nhiều khó khăn. 

Để nhìn thấy những đoàn du khách quốc tế đến Việt Nam như thời điểm trước dịch là mong mỏi còn rất xa vời với các hãng lữ hành (Ảnh minh hoạ: Hồng Phúc).

Đơn vị lữ hành tuy không có doanh thu nhưng vẫn chi các khoản phí cố định như mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế,….

Không thể tiếp tục tồn tại, trong 5 tháng đầu năm nay, có 171 doanh nghiệp trên địa bàn đã rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa). 

Các doanh nghiệp đều cắt giảm từ 50- 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này. 

Đối với hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn, chỉ còn lực lượng hướng dẫn viên chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động (hướng dẫn viên quốc tế chỉ còn khoảng 10%, hướng dẫn viên nội địa còn khoảng 40-50%). 

Riêng đối với các hướng dẫn viên cộng tác hoặc tự do đã phải chuyển nghề bán hàng trực tuyến, mở quán kinh doanh ăn uống, môi giới bảo hiểm hoặc về quê,…

Tài chính là dòng máu, mà dòng máu cạn thì chắc chắn doanh nghiệp không thể tồn tại”, ông Võ Anh Tài nói và lý ví dụ về gánh nặng mang tên tiền thuê đất. 

Năm nay, dự kiến tiền thuê đất mà Saigontourist phải trả là 350-400 tỷ đồng. Trong khi nguồn thu bằng 0 nên đại diện này mong mỏi Thành phố sẽ chấp thuận phương án giảm tiền thuê đất 50% trong năm nay và năm sau cho Tổng Công ty. Đồng thời, không truy thu tiền thuê đất các năm trước đó,…

Sức chống chịu của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch đang cạn kiệt.

Bởi theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, là ngành chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn từ đại dịch du lịch nói chung và lữ hành nói riêng cho đến lúc này, đa phần các gói hỗ trợ của Nhà nước đều khó tiếp cận.

Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành là người lao động, là chất xám của họ. Song, tài sản vô hình này không thể mang đi để thế chấp, vay vốn ngân hàng

Những doanh nghiệp cuối cùng còn tồn tại trong lĩnh vực lữ hành như Vietravel và Saigontourist đều đang kiệt sức.

Đại dịch kéo dài hơn 1 năm qua, với 4 lần sóng nối tiếp. Đã rất nhiều lần ông Nguyễn Quốc Kỳ nghĩ đến việc, liệu có còn ngành du lịch nữa không nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong khi doanh nghiệp không thể chạm vào những chính sách hỗ trợ.   

Tin liên quan
Tin khác