Vietsovpetro ra đời trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga (trước đây là Liên Xô) được ký kết vào ngày 19/6/1981 tại Matxcova (Moscow). Đây cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư đầu tiên của Việt Nam, nhằm khơi thông nguồn lực sẵn có để phát triển đất nước.
Kể từ khi thành lập, sản lượng dầu khí đã khai thác được của VSP đã chiếm tỷ trọng 62% sản lượng khai thác toàn ngành. Tổng doanh thu bán dầu thô đạt trên 74 tỷ USD. Lợi nhuận phía Nga đạt gần 11 tỷ USD.
Một dự án của liên doanh Vietsovpetro |
Vietsovpetro đã phát hiện mỏ dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ và vào tháng 5/1984, đã đưa mỏ này vào khai thác sau đó 2 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiệu quả nhất Việt Nam này đã phải đối mặt với khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi, khi sản lượng các giếng dầu trầm tích mỏ Bạch Hổ giảm sút nhanh chóng chỉ sau chưa đầy 1 năm đi vào khai thác.
Sự kiện đã làm thay đổi tình thế, giúp Vietsovpetro trụ vững và đi lên mạnh mẽ chính là việc phát hiện ra tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granit nứt nẻ vào tháng 5/1987. Đây cũng là bước ngoặt cho ngành dầu khí Việt Nam. Sau mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro đã phát hiện 6 mỏ dầu khí khác có giá trị công nghiệp là Rồng, Đại Hùng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Thiên Ưng – Mãng Cầu, Gấu Trắng và Thỏ Trắng. Ngoài ra còn phát hiện được các biểu hiện dầu khí trên các cấu tạo Tam Đảo, Ba Vì, Bà Đen, Soi và Mèo Trắng.
Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro cho biết, đến nay, Vietsovpetro đã xây dựng một tổ hợp tương đối hoàn chỉnh các công trình bờ, kho cảng, đảm bảo cung ứng dịch vụ cho các hoạt động thăm dò khai thác vận chuyển dầu khí, đã hoàn thành khảo sát, thiết kế, xây lắp và đưa vào hoạt động trên các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Gấu Trắng, Thỏ Trắng và Nam Rồng – Đồi Mồi. Hệ thống công nghệ, để duy trì khai thác dầu, khí bao gồm 14 giàn khai thác cố định, 26 giàn nhẹ, 2 giàn công nghệ trung tâm, 3 giàn nén khí, 2 giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, 4 giàn nhà ở, 3 tàu chứa dầu, 4 giàn khoan tự nâng, 2 trạm sửa giếng di động, 770 km đường ống và 170 km cáp điện ngầm nội bộ mỏ. Các công trình kỹ thuật công nghệ khác, cùng đội tàu công trình và dịch vụ gồm 24 chiếc, đảm bảo một chu trình khép kín của hoạt động dầu khí một cách an toàn.
Với sản lượng dầu hơn 177 triệu tấn, khai thác được trong đá móng, chưa từng gặp trên thế giới, Vietsovpetro tạo ra động lực thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư trên 12 tỷ USD vào hoạt động tìm khiến, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và đã được nhiều kết quả khả quan.
Ngoài 220 triệu tấn dầu thô đã khai thác được, Vietsovpetro đã cung cấp vào bờ trên 30 tỷ m3 khí đồng hành, trong đó từ mỏ Bạch Hổ là gần 20 tỷ m3 – tương đương gần 20 triệu tấn dầu quy đổi, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Không chỉ ý nghĩa về mặt kinh tế, Vietsovpetro còn là nôi đào tạo nhân lực cho ngành dầu khí Việt Nam trong nhiều khâu từ tìm kiếm, thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác dầu khí biển. Với riêng Vietsovpetro, ở thời điểm này, các cán bộ và chuyên gia Việt Nam đã làm chủ công nghệ, quản lý và điều hành hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học và sản xuất. Hầu hết các chức danh trong Ban Tổng giám đốc, giám đốc các xí nghiệp thành viên đều do phía Việt Nam đảm nhận. Với kinh nghiệm và nhân lực dồi dào, Vietsovpetro đã đạt tổng doanh thu trên 2 tỷ USD từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho bên ngoài.
Dẫu vậy, theo ông Nghĩa, Vietsovpetro cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới. Đó là sản lượng các mỏ đã qua thời kỳ khai thác đỉnh, suy giảm nhanh và diễn biến khó lường, các khu vực triển vọng trong vùng hoạt động còn ít tiềm năng, khả năng gia tăng trữ lượng thấp. Đặc biệt khi giá dầu đang nằm ở mức thấp, quanh mức 40 USD/thùng của nửa đầu năm nay.
Để đảm bảo phát triển bền vững, Vietsovpetro đang hướng tới 2 mục tiêu ưu tiên là tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò và mở rộng vùng hoạt động trên các lô được hai phía giao cho, nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí, đồng thời, đưa nhanh các mỏ mới phát hiện vào khai thác để ổn định sản lượng. Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu Vietsovpetro theo hướng tối ưu hoá định biên lao động, sử dụng hiệu quả chi phí, nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.
“Thách thức rất lớn nhưng Vietsovpetro vẫn tự tin với khát vọng tìm kiếm, thăm dò, khai thác ngày càng nhiều dầu khí cho đất nước”, ông Nghĩa nói.