Tại kỳ họp Hội đồng Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro lần thứ 44 diễn ra vào tháng 12/2014, hai phía Việt Nam và Nga đã nhất trí thông qua kế hoạch định biên lao động của VSP từ năm 2015 đến 2020. Theo đó, đến hết năm 2020, Vietsovpetro sẽ cắt giảm hơn 900 người.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc VSP cho biết, do sản lượng dầu giảm, lại chưa tìm thêm được mỏ dầu mới, nên VSP phải tính chuyện giảm nhân sự. Tuy nhiên, theo tính toán của VSP, từ nay đến năm 2020, có khoảng 1.450 người lao động đang làm việc tại VSP đến tuổi nghỉ hưu, nên doanh nghiệp (DN) sẽ tận dụng cơ hội này để giảm số lao động hiện có.
Là DN đầu tiên trong ngành dầu khí bắt đầu hoạt động vào năm 1981, vì thế, trong 2 năm 1981-1982, VSP có số lượng người được tuyển vào làm việc khá đông. Đến thời điểm này, sau 34 năm, rất nhiều người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu. Chẳng hạn, riêng năm 2019, có tới 380 người của VSP sẽ về hưu.
Hiện VSP có khoảng 7.500 lao động đang làm việc, trong đó có 530 người Nga. Các nhân sự đến từ nước Nga làm việc theo hợp đồng và hết hạn là về nước. Được biết, phía Nga cũng sẽ giảm bớt số lượng người của mình đang có mặt tại VSP.
Hiện giá dầu thô khai thác tại mỏ Bạch Hổ là khoảng 60 USD/thùng, cao hơn một chút so với giá dầu thô Brent do có chất lượng cao hơn. Để đảm bảo đủ nguồn tài chính cho hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2015, VSP đã trình Hội đồng Liên doanh kế hoạch tiết giảm chi phí. Ngoài ra, VSP cũng tập trung vào việc giảm thiểu việc thuê dịch vụ ngoài, giãn và tạm hoãn tiến độ xây dựng các công trình chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, chi phí nhân viên, bảo hiểm, chi phí quản lý. Tổng chi phí tiết giảm của năm 2015 dự kiến khoảng 300 triệu USD.
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu năm nay, ông Nghĩa cho hay, mặc dù kế hoạch khai thác được Hội đồng Liên doanh phê duyệt là 5,1 triệu tấn trong năm 2015, nhưng trước đó, VPS chỉ đề xuất phương án 4,9 triệu tấn.
“Mỏ Bạch Hổ và Rồng đã được khai thác tới giai đoạn cuối. VSP đang tính để trình PVN cho giãn tiến độ các dự án khai thác có trữ lượng nhỏ, tạm dừng các biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng, khi giá bán không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Trong số hơn 40 công trình trên biển, có 3-4 công trình có chi phí cao hơn nhiều so với giá bán”, ông Nghĩa nói.
Khi đó, VSP cũng đánh tiếng với các đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí trong ngành về việc tiến hành đàm phán lại chi phí thuê dịch vụ khi doanh thu giảm mạnh. “Nếu giá dầu bình quân ở mức 50 USD/thùng, doanh thu năm 2015 của VSP sẽ chỉ còn dưới 2 tỷ USD, trong khi năm 2014 đạt 4,3 tỷ USD. Như vậy, chúng tôi phải giảm mạnh nhiều dịch vụ đang thuê ngoài. Các đơn vị làm dịch vụ trong PVN cũng phải chủ động tìm kiếm các đơn hàng khác”, ông Nghĩa thẳng thắn nói và đề nghị, tại thời điểm này, các nhà thầu phải giảm mạnh giá thuê dịch vụ.
Dẫu tính chuyện giảm lao động và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ giảm giá cho phù hợp với giá dầu, nhưng ông Nghĩa cũng cho hay, lương của người lao động tại VSP đã được Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN hứa là không giảm.
Trên thực tế, cơ chế lương - thưởng của VSP vẫn được cho là chưa bằng ở nhiều đơn vị sinh sau đẻ muộn. Theo so sánh của lãnh đạo VSP, cùng một vị trí làm việc, lương ở các đơn vị khác cao gấp rưỡi so với tại VSP. Sau một thời gian làm việc từ 5 đến 10 năm, nhiều lao động tại VSP đã chuyển sang các đơn vị dầu khí khác, cả trong và ngoài PVN.
“Tại các giàn khoan mới, nhất là các giàn hoạt động ngoài biển gần như toàn người của VSP làm việc. Họ không thể tuyển người mới, mà cần người có kinh nghiệm cỡ 10 năm để điều khiển giàn và xử lý tình huống. Mà những người như vậy thì đều đến từ VSP”, ông Nghĩa nói và thừa nhận, có chuyện chảy máu chất xám do cơ chế lương - thưởng cũng như yếu tố cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, bởi VSP quá đông người.