GDP cao cũng là cơ hội
Thực tế, nếu chỉ nhìn vào mật độ sử dụng điện thoại di động tại Peru, cũng như nghĩ đến việc đầu tư ở một quốc gia có tính cạnh tranh cao, với thu nhập GDP trên đầu người cao gấp 3 lần Việt Nam, để đánh giá, thì cơ hội thành công của Viettel không cao. Tuy nhiên, nhà mạng đến từ Việt Nam lại có những góc nhìn khác về cơ hội tại quốc gia có thu nhập đầu người năm 2013 là 6.600 USD/người/năm này.
Ngay thời điểm khai trương Bitel, Viettel đã phủ sóng 3G đến 80% khu vực có dân số của Peru |
Là một doanh nghiệp viễn thông đã chinh chiến trên 10 thị trường đang phát triển, tại các khu vực đang phát triển mạnh mẽ như châu Á và châu Phi, Viettel cho rằng, GDP đầu người cao tức là tiêu dùng cao, doanh thu cao.
Các kinh nghiệm của Viettel tại các thị trường khó khăn cùng cách làm tự lực cánh sinh sẽ giúp Viettel tối ưu hóa chi phí, tạo thành lợi thế về giá thành.
Ngoài ra, ông Hoàng Quốc Quyền, Tổng giám đốc Bitel cho biết, tại Peru, mặc dù mật độ người dân dùng di động đang tiến tới ngưỡng bão hòa, nhưng đó là với dịch vụ 2G. Mạng 3G mới chỉ phủ sóng ở thành phố và trung tâm các tỉnh, trong khi nhu cầu về Internet di động tốc độ cao đang tăng rất mạnh tại Pêru. “Người dùng tại đây thực sự đang ‘đói’ Internet di động, nên cơ hội cho Bitel là rất lớn”, ông Quyền nhận xét.
Khi khai trương, Bitel là nhà mạng duy nhất chỉ đầu tư cho mạng 3G và đã phủ sóng toàn quốc, cả ở khu vực nông thôn. So sánh về chi phí, Bitel sẽ tối ưu hơn so với các đối thủ, vì chỉ phải vận hành một mạng (3G, thay vì cả 2G và 3G, hay thậm chí cả 4G), trong khi chất lượng lại tốt hơn nhờ công nghệ mới và hạ tầng mạng lưới xây dựng hoàn toàn phục vụ việc cung cấp Internet di động.
Lợi thế dịch vụ gia tăng
Bên cạnh đó, nhờ hạ tầng 3G thuần nhất, Viettel sẽ có cơ hội triển khai nhiều dịch vụ gia tăng đặc sắc hơn những “người cũ” vốn vận hành phần lớn trên 2G. Trước khi Bitel khai trương dịch vụ, toàn thị trường thông tin di động Peru chỉ có 25 dịch vụ giá trị gia tăng, một con số quá nghèo nàn so với con số cả trăm dịch vụ mà Viettel đã triển khai tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
Đó là chưa kể việc giá các dịch vụ này cũng khá cao và gói cước 3G nếu tính bình quân cũng cao hơn 3 lần so với Việt Nam. “Với 80% dân số nằm trong độ tuổi dùng di động, trong đó 13,5 triệu người (45% dân số) trong độ tuổi từ 10 đến 35, cơ hội cho Bitel còn nhiều. Nhóm khách hàng trẻ này có tiềm năng lớn cho các dịch vụ công nghệ như data, giá trị gia tăng và thích thay đổi theo cái mới, lại nhạy cảm về giá. Internet di động là tương lai của viễn thông Peru và Bitel đang đi đúng xu hướng đó, nên tôi tin là khách hàng sẽ ủng hộ”, ông Quyền phân tích.
Theo ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel, ngay thời điểm khai trương Bitel, Viettel đã phủ 3G đến 80% khu vực có dân số của Peru. Trước đó, chưa nhà cung cấp xây dựng mạng lưới nào làm được tại thị trường này. Ngoài ra, Viettel đã kéo 15.000 km cáp quang đến các trục phía Đông và phía Tây của Peru, với công nghệ truyền dẫn tiên tiến, đảm bảo dung lượng truyền dẫn lớn kết nối giữa các tỉnh và thành phố.
Cũng theo ông Sơn, Bitel mong muốn người Peru có thể sử dụng dịch vụ Mobile Internet với giá hợp lý nhất. Ngoài ra, Viettel cũng là tập đoàn nghiên cứu, sản xuất và phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, vì vậy Bitel tin tưởng sẽ cung cấp đồng bộ các ứng dụng dịch vụ và giải pháp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.
Hữu Tuấn