Tính đến nay, Metfone đóng góp khoảng 500 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ Campuchia, tạo việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp và khoảng 30.000 gia đình khác có công việc ổn định. |
“Thị trường vàng” ASEAN
Thị trường ấn tượng, mang lại nhiều cảm xúc thăng hoa nhất sau 14 năm đầu tư ra nước ngoài của Viettel có lẽ là Myanmar. Mytel chỉ mới khai trương vào tháng 6/2019 và sau 2 tháng, Mytel đã đạt mốc 2 triệu thuê bao, tốc độ tăng thuê bao nhanh lịch sử trong 10 thị trường của Viettel.
Đến tháng 12/2019, sau 18 tháng đi vào kinh doanh, Mytel cán mốc 8 triệu khách hàng, chiếm 22% thị phần viễn thông di động của Myanmar, đứng thứ 3 thị trường và là nhà mạng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất tại Myanmar.
“Mục tiêu của Mytel nói riêng và các thị trường của Viettel Global là, luôn sẵn sàng để dẫn đầu về cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ mới nhất và cải tiến các sản phẩm”, CEO Viettel Global Đỗ Mạnh Hùng cho biết.
Còn ở Lào, sau 10 năm, Unitel đã tạo nên hạ tầng viễn thông bao gồm mạng Internet băng thông rộng di động 3G, 4G, 4.5G phủ khắp 100% tỉnh, thành phố của "đất nước Triệu Voi" với 8.000 trạm phát sóng, 30.000 km cáp quang... cùng 3 triệu khách hàng. Lũy kế, Unitel đóng góp cho ngân sách nhà nước Lào gần 650 triệu USD. Unitel hiện chiếm 56% thị phần viễn thông và doanh thu lũy kế đạt hơn 1,45 tỷ USD. Lợi nhuận lũy kế của Unitel sau 10 năm kinh doanh đạt gần 590 triệu USD với EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) luôn duy trì ở mức trên 55%.
Còn tại Campuchia, sau 10 năm kinh doanh, Metfone đã đạt doanh thu lũy kế là 2,245 tỷ USD và lợi nhuận lũy kế đạt gần 300 triệu USD, với EBITDA luôn duy trì ở mức trên 40%. Đến hết năm 2018, Metfone đã giúp Viettel hoàn vốn về cổ tức gần 250 triệu USD, gấp gần 6 lần vốn đầu tư.
Tính đến nay, Metfone đóng góp khoảng 500 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ Campuchia, tạo việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp và khoảng 30.000 gia đình khác có công việc ổn định.
Một thị trường khác tại ASEAN của Viettel là Timor Leste, năm 2019 đã bất ngờ khởi sắc khi Telemor của Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất tại quốc gia này.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, một nửa doanh thu của Viettel Global đến từ khu vực Đông Nam Á, đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, thị trường Campuchia đạt hơn 4.800 tỷ đồng doanh thu; Timor Leste đạt 605 tỷ đồng doanh thu; Myamar tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng giúp cho lợi nhuận từ công ty liên kết tăng 1.283 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2018.
Châu Phi và Mỹ Latin trỗi dậy
Điểm sáng năm 2019 còn đến từ thị trường Peru. Bitel đã xây dựng được hạ tầng di động vượt xa các đối thủ có mặt trên thị trường trước đó hàng chục năm khi trở thành mạng cáp quang lớn nhất với 26.000 km, gấp 1,5 lần so với nhà mạng đứng thứ hai. Năm 2019, Bitel trở thành nhà mạng tăng trưởng thị phần tốt nhất tại Peru. Hiện tại, Bitel đạt 16,3% thị phần và đến năm 2020, dự kiến Bitel sẽ đạt 18% thị phần
Ông Phan Hoàng Việt, Tổng giám đốc Bitel cho biết, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Bitel, tổng doanh thu đạt 6.371 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 569,8 tỷ đồng. Mức lợi nhuận trước thuế của Viettel Peru vượt kế hoạch đề ra và tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ, tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số - điều rất hiếm trong bối cảnh thị trường viễn thông đang gặp nhiều khó khăn.
Tại Mozambique, mạng Movitel của Viettel đã tham gia dự án 20 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB). Còn tại thị trường Burundi, ví điện tử của Lumitel là ví điện tử số 1 tại thị trường này với 1,4 triệu thuê bao đang hoạt động, tương đương hơn 60% thị phần.
Ở Haiti, Natcom của Viettel đã thành công trong lĩnh vực khách hàng doanh nghiệp khi ký hợp đồng với Ngân hàng TW Haiti (BRH), cung cấp dịch vụ cho Bộ Y tế Haiti, Cục Quản lý thông tin quốc gia Haiti, Tổng cục Xổ số Haiti, Công ty Tin học Novteck, Tổ chức tín dụng FonKoze... mở nhiều lĩnh vực kinh doanh mới hứa hẹn đóng góp lớn vào doanh thu của Natcom. 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của Natcom tăng trưởng 28%, lên mức 261 tỷ đồng.
Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2019, thị trường châu Phi đóng góp 4.200 tỷ đồng và Mỹ Latin 1.600 tỷ đồng doanh thu cho Viettel Global.
Tổng hợp các thị trường nước ngoài của Viettel, các công ty của Viettel Global đã thoát lỗ, đưa lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2019 lên mức 1.548 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 783 tỷ đồng.
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhìn tổng thể, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel rất khả quan. Tính cuối năm 2019, thị trường nước ngoài của Viettel đã tăng trưởng gần 40% và không một ngành kinh doanh nào đạt mức tăng trưởng cao như vậy. Đặc biệt, nếu so sánh trong bối cảnh thị trường viễn thông trong nước chỉ tăng trưởng 1 - 2%.
Năm 2019 cũng là năm Viettel quyết định tạm dừng xúc tiến đầu tư vào các thị trường mới nhằm tập trung củng cố các thị trường hiện tại. Với chủ trương này, Viettel đã tập trung nguồn lực phát triển các thuê bao tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ thanh toán điện tử, hướng tới mục tiêu tăng trưởng khách hàng là 10%. Đến nay, có vẻ như quyết sách này của Viettel đã thu được thắng lợi lớn, làm bàn đạp cho sự phát triển của năm 2020.
Hoạt động của Viettel giai đoạn 2014 – 2019
+ Đạt doanh thu 1,2 triệu tỷ đồng
+ Lợi nhuận hơn 40.000 tỷ đồng/năm
+ Phủ cáp quang đến 95% các xã tại Việt Nam
+ Dựng 170.473 trạm phát sóng di động tại 11 quốc gia trên toàn cầu
+ Xây dựng mạng lưới cáp quang có chiều dài 500.000 km cáp quang, đủ quấn 12 vòng quanh trái đất