Bốn sức mạnh giúp Viettel làm chủ công nghệ lõi
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 sáng ngày 6/12, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Mục tiêu của Việt Nam là lọt top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025”.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel
Theo Bộ trưởng, trong thời đại số, dữ liệu chính là nguồn đất đai mới để canh tác, tạo ra các giá trị mới, xây dựng nền móng cho sự thúc đẩy kinh tế số và xã hội số. Dự thảo chiến lược phát triển hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam cũng đã xác định: Nền kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào 2025 và 30% vào 2030.
Khi hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ số đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số; khi vấn đề an toàn, an ninh mạng trở thành yếu tố sống còn của chuyển đổi số, thì việc làm chủ thiết bị hạ tầng mạng viễn thông và các nền tảng công nghệ số là việc mang ý nghĩa quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Vàng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" 2021 cho Viettel với Nền tảng Thương mại điện tử Vỏ Sò. |
Nếu một quốc gia không làm chủ được công nghệ mà chỉ đi mua của nước ngoài, hoặc lắp ráp, gia công thì sẽ không bao giờ chủ động được thời gian triển khai do phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài và khó đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới, bảo mật thông tin.
Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số - VFTE 2021 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức gần đây, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định các nguồn lực giúp Viettel đạt được mục tiêu phải làm chủ công nghệ lõi.
Về công nghệ, xuyên suốt quá trình phát triển, Viettel luôn tiếp cận với công nghệ cao, công nghệ mới và nghiên cứu làm chủ những giải pháp, công nghệ phục vụ quá trình xây dựng, vận hành mạng lưới viễn thông. Qua đó, Viettel đã tích lũy kiến thức nền tảng công nghệ và tạo dựng nguồn nhân lực trình độ cao, giàu kinh nghiệm nghiên cứu phát triển.
Cho đến nay, Viettel đã nộp tổng cộng 379 đơn đăng ký sáng chế trong nước và 48 đơn đăng ký sáng chế quốc tế) và đã được cấp 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 09 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ.
Về tài chính, Viettel là tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam với nguồn lực lớn về tài chính được tích lũy nhiều năm. Do Nhà nước đã có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển Khoa học & Công nghệ (KH&CN) nên Viettel hoàn toàn chủ động về tài chính cho Nghiên cứu Khoa học.
Về đối tác, Viettel có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác công nghệ cao nước ngoài, sẵn sàng trong việc chuyển giao công nghệ.
Về hạ tầng, Viettel có hạ tầng mạng lưới tại Việt Nam và 10 quốc gia Viettel đang đầu tư. Đây là thị trường quốc tế đủ để đảm bảo cho Viettel thử nghiệm, đánh giá và tiêu thụ sản phẩm mình làm ra trong giai đoạn đầu.
Từ hạ tầng viễn thông đến kiến tạo hạ tầng số cho toàn xã hội
Với tầm nhìn và những lợi thế của "người khổng lồ", hiện tại, Viettel đã làm chủ toàn bộ hệ sinh thái công nghệ viễn thông mạng 4G trên cả 3 lớp mạng (Mạng lõi, Mạng truyền dẫn, Mạng truy nhập) với các nền tảng công nghệ ảo hóa, công nghệ lưu trữ dữ liệu phân tán...
Ở hạ tầng mạng 5G, Viettel đang triển khai nghiên cứu các thiết bị mạng 5G trên cả 3 lớp mạng: Mạng lõi, mạng truyền dẫn và mạng truy nhập. Đến nay, Tập đoàn Viettel đã làm chủ và đã đưa vào khai thác thử nghiệm trên mạng lưới đối với thiết bị lớp mạng lõi, thiết bị thu phát 8T8R.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng giới thiệu bản mạch 5G do Viettel phát triển với Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành trung ương. |
Nói về thành tựu khi phát triển 5G, Chủ tịch Viettel cho biết “Viettel đã thiết kế, làm chủ 2 dòng chipset của thiết bị thu phát 5G. Đây là dòng chipset mới nhất và là xu thế công nghệ trên thế giới, có thể ứng dụng rộng rãi cho các hệ thống thu phát wifi, thông tin, ra đa…”.
Đặc biệt, Viettel đã phát triển và triển khai các nền tảng trong hệ sinh thái số cho Chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, giao thông như: Nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), nền tảng học trực tuyến (Viettel study), nền tảng thanh toán (Viettel Money), giao thông thông minh (ePass)...
“Trong quá trình phát triển của mình, Viettel luôn đặt ra những thách thức mới để quyết tâm vượt qua”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết.
Theo người đứng đầu Viettel, từ khi còn là đơn vị đi làm thuê và thực hiện bước ngoặt sang lĩnh vực viễn thông, lãnh đạo của Viettel đã luôn xác định: phải làm chủ các công nghệ lõi. Viettel không bao giờ dừng lại ở mức gia công, lắp ráp, sản xuất theo licence của nước ngoài.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu làm chủ công nghệ lõi, phải phân chia hệ thống thành các hệ thống con (sub-system) và có lộ trình làm chủ, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn đầu, Viettel tập trung vào phát triển phần mềm (đây là lõi của sản phẩm và thế mạnh của Việt Nam), dần tiến tới làm chủ phần cứng và cuối cùng là phải làm chủ chipset, làm chủ hoàn toàn sản phẩm.
Đặc biệt, khi đã làm chủ công nghệ, các sản phẩm Viettel lại phát triển theo hướng mở để có thể tạo ra hệ sinh thái giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể phát triển các ứng dụng trên nền tảng mà Viettel cung cấp.
Trong hành trình làm chủ công nghệ lõi đó, Viettel chủ động đăng ký sáng chế để bảo vệ tài sản trí tuệ và tham gia vào các hiệp hội, tổ chức lớn, có uy tín trên thế giới để cập nhật công nghệ cũng như các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ quá trình nghiên cứu phát triển: ITU, IEEE, TMForum, ORAN, ...
Trong tương lai, Viettel đặt mục tiêu sẽ phát triển công nghệ bán dẫn để sản xuất chipset 5G, sản xuất trạm thu phát 64Tx64R. Cùng kế hoạch đó, Viettel tham gia vào các hội nghị, tổ chức chuẩn và nằm trong nhóm các doanh nghiệp đóng góp cho chuẩn thế giới về 6G. Hiện tại, Viettel cũng bắt đầu nghiên cứu, đặt nền móng cho công nghiệp vũ trụ.