Động thái của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho thấy, chiến lược nghiên cứu, chế tạo thiết bị đầu cuối, đặc biệt là smartphone, được hai đại gia này đặc biệt coi trọng.
| ||
Đại diện Viettel giới thiệu chiếc smartphone đầu tiên của Tập đoàn |
VNPT âm thầm chuẩn bị
Thực tế, không phải đến bây giờ, việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối công nghệ cao như smartphone mới được VNPT tiến hành, mà đã được âm thầm chuẩn bị từ lâu.
Đầu tiên là việc thành lập Công ty VNPT Technology từ đầu năm 2011, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập chính là VNPT (51%), VNPost (10%), Pacifab (10%) và các đối tác tiềm năng khác.
Tháng 3/2011, VNPT Technology mua lại phần vốn góp của Nokia Siemens trong Teleq (liên doanh giữa VNPT và Nokia Siemens) và hơn 1 tháng sau, tiếp tục mua lại phần vốn của Alcatel Lucent trong ANSV (liên doanh giữa VNPT và Alcatel Network Systems Viet Nam). Đến tháng 7/2011, VNPT Technology thành lập Công ty VIVAS chuyên về nội dung số và cung cấp giải pháp dịch vụ giá trị gia tăng.
Sau đó, tháng 7/2012, VNPT Technology liên doanh với Well Pacific Woldwide thành lập Công ty VNPTEC có trụ sở tại Hồng Kông làm đầu mối đón đầu chuyển giao công nghệ, cũng như đảm bảo cung cấp vật tư, linh kiện cho hoạt động sản xuất, làm cửa ngõ cho xuất khẩu vào các thị trường khu vực và tìm nguồn tài trợ về tài chính.
Đại diện VNPT Technology cho biết, smartphone Vivas Lotus S1 là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi sản phẩm smartphone sẽ được Công ty ra mắt trong thời gian tới. Phía VNPT kỳ vọng, với chiến lược của mình, dòng điện thoại thông minh của VNPT sẽ trở thành sản phẩm quốc gia và được xuất khẩu.
Viettel không kém cạnh
Ngày 19/1/2011, Viettel thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viettel R&D) và cũng trong năm này đã xây dựng nhà máy có năng lực sản xuất 5 triệu chiếc USB 3G và 3 triệu chiếc điện thoại mỗi năm.
Tháng 10/2012, Viettel đã bán ra thị trường chiếc smartphone đầu tiên mang tên Viettel V8403. Giới truyền thông cho rằng, đây là sản phẩm đầu tiên do Viettel thiết kế và sản xuất, nhưng giới chuyên môn còn hoài nghi, bởi thiết kế cũng như các thông số cấu hình của sản phẩm này khá giống sản phẩm ZTE V790 được bán ở Nga, Ấn Độ.
Trên thực tế, Viettel đã có kế hoạch nghiên cứu, thiết kế, sản xuất smartphone riêng của mình. Cùng với bước chuẩn bị thị trường, Viettel đang mở rộng cánh cửa để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước và quốc tế, đặc biệt là những kỹ sư từng làm việc tại các hãng công nghệ cao nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, việc sản xuất hàng loạt điện thoại của Viettel gặp khó khăn, do phải nhập tới 70% linh kiện, với thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện từ 15 đến 25%. Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu nguyên chiếc là 0%.
Khó khăn chồng chất, nhưng cả Viettel và VNPT vẫn duy trì quyết tâm rất cao để chiếm lĩnh thị trường smartphone mang “mác Việt”. Trong cuộc đua âm thầm này, dù ai chiếm lĩnh thị trường, thì người thắng cuộc chắc chắn là khách hàng, giống như cuộc đua dịch vụ mạng của VNPT và Viettel nhiều năm nay.
Hữu Tuấn