Doanh nghiệp
Viettel, VNPT, MobiFone: Ráo riết thoái vốn ngoài ngành
Tú Ân - 19/09/2015 08:47
Theo yêu cầu của Chính phủ, đến hết năm 2015, các “ông lớn” viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone sẽ phải hoàn thành thoái vốn ngoài ngành.
TIN LIÊN QUAN

Viettel hoàn thành thoái vốn tại 5 công ty

Theo Quyết định 753/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giai đoạn 2013 - 2015, đến hết năm 2015, Viettel phải thoái toàn bộ vốn của công ty mẹ tại 5 công ty cổ phần là: Công nghệ Viettel; Phát triển thương mại Vinaconex; EVN Quốc tế; Công nghiệp cao su Coecco và Công ty tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel.

Lãnh đạo Viettel cho biết, đến hết năm 2014, Viettel đã thoái 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành tại 4 công ty, thu về 3.000 tỷ đồng. Đến nay, Viettel đang thực hiện đúng lộ trình thoái vốn mà Thủ tướng yêu cầu. Các khoản thoái vốn khác, hiện Viettel vẫn đang triển khai các bước theo đúng lộ trình và dự kiến đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành kế hoạch.


 

Đối với Xi măng Cẩm Phả, năm 2013, Viettel đã tiếp nhận Xi măng Cẩm Phả từ Vinaconex. Từ một công ty đang thua lỗ, sau 1 năm thực hiện tái cơ cấu đã có doanh thu tăng trưởng 7%, đạt 2.500 tỷ đồng với lợi nhuận 108 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, vấn đề tồn tại của Xi măng Cẩm Phả đã được Viettel giải quyết sau khi mua lại 70% cổ phần tại doanh nghiệp này. Đến nay, Xi măng Cẩm Phả đã hoạt động tốt, có lãi và được nhiều đối tác nước ngoài đề nghị chuyển nhượng lại.

VNPT sẽ hoàn thành thoái vốn đúng hạn

Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015, thì 63 công ty do VNPT đang sở hữu một phần vốn sẽ phải thoái vốn toàn bộ. Cụ thể, các doanh nghiệp mà VNPT phải thoái vốn gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; 53 công ty cổ phần; 4 công ty trách nhiệm hữu hạn; 4 quỹ và 1 ngân hàng thương mại cổ phần (Maritime Bank).

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, việc thoái vốn ngoài ngành của VNPT đã thực hiện đúng theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt và đúng lộ trình theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tính đến nay, VNPT đã thoái vốn, thu hồi hơn 701 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.213 tỷ đồng cần thoái vốn, cơ bản đạt tiến độ đề ra. Hiện VNPT đang phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) để làm thủ tục thoái vốn tại hai đơn vị lớn là Ngân hàng TMCP Hàng hải (khoảng 700 tỷ đồng) và Công ty Tài chính Bưu điện (VNPT nắm giữ 100% vốn điều lệ 500 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo VNPT, đến cuối năm 2015, VNPT dự kiến sẽ thoái hết vốn ở tất cả các đơn vị trong danh sách này, sau đó sẽ tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại. Trong đó, sẽ tiến hành giải thể, phá sản đối với 8 doanh nghiệp có giá trị 103,9 tỷ đồng, tiến hành bán vốn tại 6 doanh nghiệp trị giá hơn 64 tỷ đồng vốn góp.

MobiFone thoái vốn tại 2 ngân hàng

Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, Tổng công ty MobiFone đã thực hiện thoái vốn xong tại hai công ty SmartMedia và Neo. Hiện tại MobiFone đang làm thủ tục thoái vốn tại hai ngân hàng TP Bank và Sea Bank.

Theo đó, MobiFone đã nộp hồ sơ sang công ty chứng khoán để bán đấu giá cổ phần TP Bank, đồng thời tiến hành các thủ tục thoái vốn tại ngân hàng Sea Bank theo quy định.

Được biết, MobiFone hiện đang là cổ đông sáng lập và sở hữu 6% trong tổng số vốn điều lệ 5.335 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Sea Bank). Mobifone còn là cổ đông sáng lập Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank - có vốn điều lệ hiện là 5.550 tỷ đồng) với tỷ lệ nắm giữ 4.76%.

Ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) cho biết thêm, sau khi MobiFone ký hợp đồng tư vấn, theo tiến độ, trong vòng 60 ngày tư vấn sẽ đưa ra phê duyệt giá trị tài sản, trong quý IV/2015 sẽ định giá xong tài sản của MobiFone để triển khai bán cổ phần lần đầu ra công chúng, đúng theo lộ trình đề ra.

Tin liên quan
Tin khác