Viglacera sẽ dồn vốn đầu tư vào 2 mảng kinh doanh chính là vật liệu xây dựng và bất động sản |
Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần đã trình Đại hội đồng cổ đông theo phương thức lấy ý kiến bằng văn bản về việc thông qua phương án phát hành 120 triệu cổ phiếu chào bán rộng rãi ra công chúng, qua đó tăng vốn điều lệ từ 3.070 tỷ đồng lên 4.270 tỷ đồng.
Với giá khởi điểm là 12.200 đồng/cổ phần, VGC dự kiến sẽ thu về 1.464 tỷ đồng sau khi hoàn tất đợt phát hành. Số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các dự án trọng điểm thuộc 2 lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản.
Với mục tiêu phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD đồng thời chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào cung cấp cho thị trường trong vòng 5 năm tới, Viglacera đã không ngừng phát triển theo hướng bền vững bằng việc tiếp tục tập trung đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và hạ tầng Khu công nghiệp.
Theo phương án phát hành trình ĐHĐCĐ, cổ phiếu phát hành lần này không bị hạn chế chuyển nhượng. Dự kiến sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của Viglacera sẽ tăng từ mức 307 triệu cổ phiếu lên 427 triệu cổ phiếu.
Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm tương ứng từ 78,8% về 56,7%. Với giá khởi điểm là 12.200 đồng/CP, VGC dự kiến sẽ thu về 1.464 tỷ đồng sau khi hoàn tất đợt phát hành.
Cụ thể, VGC sẽ dùng 692 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng tại tỉnh Bắc Ninh; 292 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy Sứ Viglacera Mỹ Xuân tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, 310 tỷ đồng Đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; 154 tỷ đồng vào dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tần KCN Đồng Văn IV GĐ 1 – Hà Nam; còn lại 16 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động cho Tổng công ty.
Như vậy, có thể thấy rõ, Viglacera đang từng bước thực hiện chiến lược đầu tư giai đoạn 2017 – 2020, bước đầu là thu xếp vốn đầu tư vào các dự án. Đồng thời, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, chậm nhất đến năm 2019 phải giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống dưới 51%.
Năm 2017, đối với mảng bất động sản, Viglacera tập trung phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Hiện tại, Viglacera đang sở hữu 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.402 héc ta tại các tỉnh: Bắc Ninh; Hà Nam; Thái Bình; Phú Thọ; Quảng Ninh; Huế; Hưng Yên… Trong đợt phát hành lần này, Viglacera sử dụng vốn cho 2 dự án Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng (692 tỷ đồng) và Đồng Văn IV (154 tỷ đồng).
Cả hai khu công nghiệp mà Viglacera dự kiến sử dụng vốn cho đợt phát hành lần này đều nằm ở vị trí rất thuận lợi cho giao thông, hứa hẹn thu hút thành công nhiều nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực điện tử, công nghiệp, công nghệ cao, tạo ra nguồn doanh thu ổn định cho Viglacera trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp trong các năm tiếp theo
Đối với mảng vật liệu xây dựng, VGC tập trung vào lĩnh vực vật liệu xây dựng công nghệ xanh, giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, với biên lợi nhuận gộp lên đến trên 20%.
Việc tập trung đầu tư mạnh vào mảng vật liệu xây dựng, vốn là thế mạnh của Viglacera trong năm 2017, 2018, sẽ giúp Tổng công ty duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ 15 - 20%/năm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tối đa hóa lợi ích cho nhà đầu tư.
Với việc đầu tư mạnh mẽ trong năm 2017, 2018, VGC kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc vào năm 2019 khi các dự án vật liệu xây dựng đi vào hoạt động.
Năm 2017, VGC đạt kế hoạch doanh thu hợp nhất: 8.400 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 888 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Thu nhập bình quân một cổ phần (EPS) dự kiến là 1.663 đồng, đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức 9-10%.