Doanh nghiệp
Viglacera và Tổng công ty Sông Hồng: Bình chân trước hạn chót thoái vốn
Thanh Thủy - 12/12/2023 09:13
Năm tài chính 2023 sắp kết thúc, hai doanh nghiệp mà Bộ Xây dựng nắm giữ cổ phần gồm Tổng công ty Sông Hồng và Viglacera đang tiến gần tới hạn chót thoái vốn theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Hạn chót thoái vốn cận kề

Thông báo trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, phiên đấu giá toàn bộ cổ phần Tổng công ty Sông Hồng do bộ này sở hữu sẽ diễn ra vào ngày 22/12/2023, tròn một tuần trước khi khép lại năm tài chính 2023.

Không chỉ đăng ký đấu giá, Bộ Xây dựng cũng đã thông báo đăng ký bán cổ phần ngoài hệ thống. Như vậy, chỉ cần đợt đấu giá kết thúc, cơ quan sở hữu phần vốn nhà nước có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục, sang tên đổi chủ cho bên mua đấu giá.

Theo Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 do Chính phủ ban hành, trong năm 2022-2023, Bộ Xây dựng sẽ thoái “sạch” vốn tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG, sàn UPCoM) và Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã VGC, sàn HoSE) từ mức lần lượt 49,04% và 38,58% hiện tại. Bên cạnh đó, ở giai đoạn tiếp theo (2024 - 2025), Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Công ty cổ phần (COMA, mã TCK, sàn UPCoM) và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Công ty cổ phần (Lilama, mã LLM, sàn UPCoM).

Thời gian xông xênh tới 2 năm, chưa kể, cổ phiếu của cả hai tổng công ty đều đã giao dịch tập trung trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, tới nay, khi chỉ còn vài tuần, khả năng tổ chức và triển khai thành công đợt thoái vốn vẫn là một dấu hỏi lớn.

Hơn 13,2 triệu cổ phiếu SHG, tương ứng 49,04% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng là nguồn cung cổ phiếu rất lớn nếu so với mức thanh khoản vài chục ngàn cổ phiếu đang được giao dịch mỗi thứ Sáu. Dù là doanh nghiệp mà Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nhất, Sông Hồng đã bỏ trống tới hai kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên và đang âm vốn chủ sở hữu. Đây cũng là lý do, cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Cổ đông chỉ được chuyển nhượng vào ngày thứ Sáu.

Đối với trường hợp của Viglacera, câu chuyện thoái vốn liên tục là chủ đề “nóng” mà các cổ đông nhỏ lẻ thường xuyên chất vấn tại các mùa đại hội gần đây. Tại cuộc họp thường niên tổ chức vào giữa tháng 5/2023, ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Viglacera cho biết, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch triển khai, chỉ đạo người đại diện lập phương án, thực hiện các thủ tục theo trình tự.

Dấu hỏi về khả năng thành công

Chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 11/2009 với giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu, đây được xem là phiên IPO thành công khi có nhà đầu tư sẵn sàng trả giá 22.290 đồng/cổ phiếu để mua 6,7 triệu cổ phiếu chào bán. Tuy nhiên, từ sau cổ phần hóa đến nay, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty liên tục đi lùi.

Tổ đại diện phấn đấu, nhưng quá trình thực hiện thoái vốn phải tuân thủ các trình tự, quy định và điều kiện thị trường.

Ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Viglacera

Lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2023 của Tổng công ty Sông Hồng đã tăng lên 1.293 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ vỏn vẹn 270 tỷ đồng.

Trong các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn của Bộ Xây dựng giai đoạn 2022-2025, Viglacera được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, với mức cổ tức ba năm gần đây lần lượt ở mức 11% (năm 2020), 15% (năm 2021) và 20% (năm 2022). Ngay từ tháng 9/2023, Viglacera đã tạm ứng trước cho cổ đông cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với gần 173 triệu cổ phiếu nắm giữ, Bộ Xây dựng nhận về tới 173 tỷ đồng. Hay chỉ ước tính theo giá cổ phiếu giao dịch ở thời điểm hiện tại (55.800 đồng/cổ phiếu), số tiền cơ quan này thu về lên tới trên 9.650 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu cổ đông hiện tại, Bộ Xây dựng chỉ là cổ đông lớn thứ hai, sau CTCP Hạ tầng GELEX (sở hữu 50,21%). Động lực gom thêm cổ phần của công ty mẹ là Hạ tầng GELEX không còn quá lớn. Tuy nhiên, Viglacera vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân. Trung bình trong 10 phiên giao dịch trở lại đây, khối lượng khớp lệnh bình quân xấp xỉ 1,2 triệu đơn vị. Không chỉ thế, đây là một thương hiệu lớn với mảng kinh doanh chính là sản xuất vật liệu xây dựng, cùng bất động sản khu công nghiệp đầy tiềm năng.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu hợp nhất của Viglacera đạt 10.173 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.588 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 15,6%. So với mục tiêu đề ra, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đã sớm vượt 31% chỉ sau 3/4 chặng đường.

Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từng ghi nhận giai đoạn rất sôi động, đặc biệt trong năm 2017. Ngoài yếu tố khách quan từ thị trường cũng như sự quyết liệt trong hoạt động cổ phần hóa, nhiều thương vụ thành công có đóng góp lớn từ nội tại doanh nghiệp và cả sự chuẩn bị trước thềm thoái vốn.

Cũng sở hữu lợi thế là một thương hiệu quốc gia và giữ thị phần hàng đầu trong ngành bia, một năm trước khi thoái vốn, Sabeco đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Một tháng trước đấu giá, Tổng công ty cũng tổ chức giới thiệu cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư (roadshow) tại hai thị trường tài chính lớn là Singapore và Anh, góp phần làm nên thành công trong phiên đấu giá lịch sử cuối năm 2017 của hãng bia này.

Cấp tập về mặt thời gian, dấu hỏi về hiệu quả thoái vốn được đặt ra nếu Bộ Xây dựng vội vàng tổ chức đấu giá để cho kịp tiến độ theo Quyết định 1479/QĐ-TTg.

Tin liên quan
Tin khác